Trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế đó, không ít cái tên bị “bêu” nhầm




Chuyện bắt đầu từ việc Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế đến hết tháng 6/2015, trong số này có không ít tên tuổi lớn như Nguyễn Kim, Thế giới di động, Thế giới số… Thẳng thắn mà nói và cũng như khẳng định của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc công khai danh tính doanh nghiệp nợ đọng thuế là cần thiết vì nợ đọng thuế đã ở mức không thể chấp nhận được (khoảng 10% tổng số thuế doanh nghiệp phải nộp).
Tất nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng tới thu ngân sách, mà quan trọng hơn còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, làm xấu đi tính tuân thủ pháp luật và khiến doanh nghiệp chấp hành tốt chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, việc Tổng cục Thuế “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế nhận đã được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
Đơn cử một thí dụ. Đã có 136/268 doanh nghiệp ở Hà Nội bị bêu tên nhanh chóng nộp tiền thuế cho Nhà nước. Tổng số tiền thuế các doanh nghiệp nộp đợt này là hơn 704 tỷ đồng. Một con số cho thấy hiệu quả bước đầu nhưng rất rõ ràng của việc công khai danh tính doanh nghiệp còn nợ thuế.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế đó, không ít cái tên bị “bêu” nhầm. Chính Tổng cục Thuế đã thừa nhận sai sót này và giải thích lý do là vì những vấn đề liên quan đến phần mềm xử lý dữ liệu. Tổng cục Thuế cũng đã xin lỗi doanh nghiệp bị bêu tên nhầm, đồng thời chỉ đạo các địa phương nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc, gây bức xúc cho doanh nghiệp trong thời gian qua
Với khẳng định của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vào cuối tuần qua, đến lúc này vụ việc đã cơ bản được giải quyết và có thể nói đã được xử lý khá nhanh gọn. Việc Tổng cục Thuế nhanh chóng nhận lỗi với doanh nghiệp cũng là cần thiết. Vấn đề còn lại là, làm sao để không xảy ra tình trạng tương tự.
Cần phải nhắc lại rằng, khi vụ việc xảy ra, chính lãnh đạo của Bộ Tài chính cũng khẳng định việc công bố số liệu nợ thuế "đáng lẽ không được phép sai". Không phải là “đáng lẽ”, mà là “không bao giờ, không thể được phép sai”. Công bố sai sẽ ảnh hưởng tới uy tín và các cơ hội làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chưa có những thống kê liên quan tới thiệt hại của các doanh nghiệp bị bêu tên nhầm trong đợt này, nhưng chắc chắn là có. Đó là chưa kể thiệt hại về kinh tế, sứt mẻ về uy tín thương hiệu. Trong kinh doanh, sai một ly đi một dặm. Chậm một phút, có thể hỏng một hợp đồng, lỡ một cơ hội kinh doanh. Bởi thế, sự tắc trách của chỉ một cá nhân nào đó trong bộ máy công quyền có thể ảnh hưởng tới số phận của cả một doanh nghiệp.
Thực tế, chuyện nhũng nhiễu của cán bộ thuế, hải quan lâu nay đã được dư luận nhắc tới nhiều. Chuyện “chờ được vạ thì má đã sưng” cũng không phải không có. Vì thế, dù Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định sẽ “xử lý”, nhưng chưa biết khi nào, thiệt hại của doanh nghiệp mới được đền bù.
“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Ở đây cũng phải nhắc tới việc nếu tất cả doanh nghiệp đều tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật thì sẽ không phải có chuyện “bêu tên”. Song đó cũng là một bài học cho cả hai bên. Hơn thế, qua câu chuyện này càng cần phải nhắc lại khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh rằng, đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ bộ máy quản lý sang bộ máy phục vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp vì lợi ích của quốc gia.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn