Các cổ phiếu như CTG, BID, MBB, ACB, STB… cũng trồi sụt mạnh 2 tuần vừa qua trước những thông tin không mấy thuận lợi về một số nhà băng. Tuy nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục nhẹ ở phiên giao dịch cuối tuần qua, song các cổ phiếu EIB, STB, CTG đứng giá hoặc nhích nhẹ. Mã VCB tăng hơn 1%, nhưng BID lại giảm mức tương đương.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Kim Eng, về mặt tâm lý, không khó để nhận ra rằng, chính những thông tin mới xuất hiện gần đây là nguyên nhân gây lo lắng cho phần đông nhà đầu tư trên thị trường. Chỉ trong thời gian ngắn, đã xuất hiện khá nhiều thông tin có phần tiêu cực về hoạt động tại các ngân hàng.






\r




Đơn cử, thông tin DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt và đình chỉ chức vụ đối với lãnh đạo cấp cao của nhà băng này không chỉ tác động đến cổ phiếu DAB nói riêng và cổ phiếu ngân hàng nói chung, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến cổ phiếu của PNJ - một trong những cổ đông lớn của DongA Bank. Cổ phiếu PNJ đã có chuỗi giảm điểm trong tuần thứ 3 của tháng 8/2015, khiến PNJ mất giá gần 15%.
Ngoài ra, thương vụ sáp nhập Southern Bank - Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông qua sẽ tạo “gánh” nặng nợ xấu cho Sacombank sau sáp nhập, khiến lợi nhuận giảm.
Một yếu tố bất lợi khác là nợ xấu. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, 13 ngân hàng (BIDV, VCB, VietinBank, STB, VIB, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, MB, NCB, PGBank, EIB) đang có 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu, khiến giới đầu tư quan ngại khi rót vốn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Mặt khác, trước đây, đầu tư cổ phiếu ngân hàng, ngoài kỳ vọng giá tăng, nhà đầu tư còn trông chờ vào cổ tức và cổ phiếu thưởng. Cổ tức của không ít ngân hàng chi trả trên dưới 25%, kèm theo việc phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư để lại. Thế nhưng, trong 2 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng giảm xuống mức đáy và cổ tức bị cắt giảm mạnh. Trong khi đó, các dự báo đưa ra về triển vọng cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có điểm sáng.
Ở khía cạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần nhìn nhận rằng, NHNN đang có những bước đi hết sức mạnh mẽ và quyết liệt với mục tiêu cuối cùng là gia tăng hiệu quả hoạt động và mức độ an toàn của hệ thống. Dù vậy, trong ngắn hạn, các thông tin về tái cấu trúc có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi của Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cũng nhận định, trước mắt, các thông tin về tái cấu trúc và áp lực mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi rót vốn vào cổ phiếu ngành ngân hàng. Tuy nhiên, về dài hạn, việc tái cơ cấu sẽ tạo đà tăng trưởng bền vững cho ngành.
“Trước mắt, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do phải trích dự phòng cao, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay chiếm tỷ trọng khá lớn trong “rổ” VN-Index. Vì thế, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn, bởi đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng, nhất là sau giai đoạn tái cơ cấu”, ông Yun nhấn mạnh.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn