Đúng như dự báo, sau 4 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã chịu áp lực chốt lời trong phiên giao dịch hôm nay. Tuy nhiên, áp lực chốt lời không quá mạnh, nên thị trường chỉ chịu rung lắc nhẹ, chứ không giảm sâu, mốc điểm quan trọng 590 điểm đã đứng vững trong phiên hôm nay.


Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trong phiên chiều không sôi động như phiên sáng và sự thận trọng của nhà đầu tư cả bên nắm giữ cổ phiếu và bên nắm giữ tiền mặt khiến thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh và xuống mức thấp nhất 1 tuần.
Kết thúc phiên giao dịch chiều 13/10, VN-Index giảm nhẹ 1,26 điểm (-0,21%), xuống 590,84 điểm. Nhờ lực cầu gia tăng cuối phiên, độ rộng của thị trường đã dần trở lại cân bằng và kết thúc phiên nhỉnh hơn một chút về phía tăng với 109 mã tăng và 103 mã giảm.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc áp lực chốt lời không lớn, trong khi bên mua cũng tỏ ra thận trọng sau 1 tuần hào hứng để đón sóng TPP khiến thanh khoản sụt giảm manh.
Tổng khối lượng giao dịch hôm nay đạt 115,29 triệu đơn vị, giá trị 1.908 tỷ đồng, giảm hơn 24% về lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua. Đây cũng là phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 5/10. Giao dịch thỏa thuận trong phiên hôm nay vẫn giữ được sự sôi động, dù không có đột biến như phiên hôm qua khi đóng góp 13,3 triệu đơn vị, giá trị 239,75 tỷ đồng vào tổng giao dịch. Trong đó, HAG là mã đóng góp lớn nhất với hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 138,68 tỷ đồng.






Diễn biến VN-Index phiên 13/10



Tương tự, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,33%), xuống 80,62 điểm với 85 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,23 triệu đơn vị, giá trị 411,36 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 39 tỷ đồng.






Diễn biến HNX-Index phiên 13/10



Diễn biến của các nhóm ngành không có nhiều điểm nổi bật, chủ yếu là dao động trong biên độ hẹp. Trong đó, BVH may mắn thoát được phiên giảm giá khi đóng cửa ở mức tham chiếu 60.000 đồng và đây cũng là mức giá cao nhất ngày, trong khi BIC và BMI đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong nhóm ngân hàng, BID cuối cùng cũng níu được sắc xanh nhạt, trong khi STB và VCB chỉ giảm nhẹ, 3 mã còn lại đều đóng cửa ở tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giữ mức giá tương đương với phiên sáng, tuy nhiên thanh khoản phiên hôm nay khá cao với PVD khớp gần 1,47 triệu đơn vi, GAS khớp hơn 0,7 triệu đơn vị.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn không có nhiều điểm đáng chú ý, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại xuất hiện nhiều điểm nhận. Ấn tượng nhất trong số đó phải kể đến JVC. Cổ phiếu này giảm 17% trong nửa cuối tháng 9 do chịu ảnh hưởng từ việc khối ngoại bán ra sau những lùm xùm về tài chính. Cổ phiếu này sau đó lình xình quanh ngưỡng 4.500 đồng kể từ đầu tháng. Mở cửa phiên sáng nay, JVC cũng đứng ở mức tham chiếu 4.500 đồng, sau đó túc tắc nhích nhẹ. Tưởng chừng diễn biến của mã này cũng giống các phiên giao dịch gần 1 tuần qua, khỉ chỉ đóng cửa cách mốc tham chiếu 1 bước giá, thì bất ngờ trong phiên chiều, dòng tiền mạnh dạn chảy vào đã hấp thụ hết lượng dư bán, đẩy JVC lên mức trần 4.800 đồng khi đóng cửa với tổng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Ngoài JVC, điểm nhấn trong phiên chiều nay còn phải kể đến HTI, KSA, LHG, SVC khi tất cả đều đóng cửa với mức giá trần, dù có lúc trong phiên được giao dịch dưới tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường lại đóng cửa với sắc đỏ, dù mức giảm không quá mạnh. Trong đó, FLC có thanh khoản tốt nhất với hơn 9,4 triệu đơn vị, tiếp đến là ITA với hơn 6 triệu đơn vị, HQC hơn 5 triệu đơn vị.
HAG ngoài phiên thỏa thuận, cũng khá sôi động trong phiên khớp lệnh với hơn 4,1 triệu đơn vị được khớp và đứng ở mức tham chiếu. Trong khi đó, CII là mã hiếm hoi có thanh khoản tốt (4,28 triệu đơn vị) đóng cửa với sắc xanh.
Trên HNX,chỉ số HNX-Index đóng cửa thấp hơn phiên sáng do không còn nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn như SHB, PHP, NTP, VND, trong khi các mã dầu khí lớn như PVS, PVC, PGS vẫn duy trì sắc đỏ như phiên sáng.
KLF vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 4,64 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm 1 bước giá, xuống 4.400 đồng, cũng là mức giá thấp nhất trong ngày. Tiếp đến, SCR và SHB cũng là 2 mã có thanh khoản tốt trên sàn này với hơn 3 triệu đơn vị và hơn 2,44 triệu đơn vị được khớp, cùng đứng ở mức tham chiếu khi chốt phiên.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 0,5 triệu đơn vị, giá trị 5,4 tỷ đồng trên HNX. Trong khi đó, trên HOSE, khối này lại bán ròng gần 6 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 69 tỷ đồng.

Trần Lê (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn