Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong năm nay so với các quốc gia trong khu vực. Kể từ tháng 5, thị trường đã tăng mạnh hơn thị trường Thái Lan, Indonesia và Philippines. Bất chấp mức giảm trong tháng 7, cho đến thời điểm này của năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt hơn và là thị trường duy nhất vẫn còn giữ được mức tăng trưởng dương. Nhiều người tin rằng, nền kinh tế ổn định sẽ giúp thị trường Việt Nam giữ vững vị thế này.
Xét trong cả quý III/2015, có một số yếu tố đã chi phối xu hướng thị trường, bao gồm lo ngại về giá trị của đồng nội tệ do ảnh hưởng từ biến động của đồng nhân dân tệ (NDT) và khả năng Mỹ tăng lãi suất USD, giá dầu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng và đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).






\r



Việc đồng nội tệ giảm giá chắc chắn đã gây ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán. Bước vào quý III/2015, VND là một trong những đồng tiền giữ giá tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng tỷ giá với USD đã được điều chỉnh giảm 2% trong năm nay và cũng là hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt ra.
Do USD mạnh lên và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất, nên nhiều nhà đầu tư trên thị trường tin rằng, sẽ có thêm sự điều chỉnh trước khi kết thúc năm. Tuy nhiên, Fed đã quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 và NHNN khẳng định có đủ dự trữ ngoại hối để giữ tỷ giá trong biên độ điều chỉnh tối đa 2%.
Dẫu vậy, chỉ một vài tuần sau đó, xuất hiện một áp lực mới lên đồng nội tệ. Trung Quốc phá giá đồng NDT khoảng 5% chỉ trong vòng 3 ngày. Chỉ số VN-Index ngay lập tức phản ứng với mức giảm hơn 3% trong vòng 2 ngày và xuống dưới mức hỗ trợ quan trọng ở 600 điểm. Tuần tiếp theo, NHNN điều chỉnh giảm VND xuống thêm 1% và mở rộng biên độ giao dịch. Cùng thời điểm đó, giá dầu giảm xuống 40 USD, Trung Quốc tiếp tục công bố các số liệu kinh tế đáng thất vọng.
Ngay sau đó, sự hoảng loạn đã xảy ra trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index mất 9% trong 3 ngày, gồm lần giảm 5,3% vào ngày 24/8. Điểm sáng hiếm hoi là những ảnh hưởng từ Trung Quốc đã khiến Fed phải hoãn quyết định tăng lãi suất. Ngày 18/9, Fed chính thức tuyên bố sẽ không tăng lãi suất và ngay hôm sau, NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng nội tệ kể cả trong trường hợp Fed tăng lãi suất. Áp lực về tỷ giá được nới lỏng và thị trường bình ổn trở lại.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thị trường trong quý III và kéo chỉ số đi xuống. Trong tuần đầu tiên của quý, kết quả của chương trình đàm phán hạt nhân Iran chưa rõ ràng, giúp các cổ phiếu dầu khí tăng giá trở lại. Tuy nhiên, điều này không kéo dài được lâu. Thỏa thuận đạt được ngày 14/7 đã kéo giá dầu giảm sâu kể từ thời điểm đó.
Ngày 20/8 (ngay sau khi NHNN điều chỉnh giảm giá VND), giá dầu giảm 4,3%, xuống còn 40 USD/thùng và cổ phiếu dầu khí đóng góp phần lớn trong cơn hoảng loạn của thị trường như chúng tôi đã đề cập ở trên. Mặc dù vậy, giá dầu thô WTI đã hồi phục nhẹ lên trên mức 45 USD vào tháng 9 và nhóm cổ phiếu dầu khí cũng theo đó hồi phục.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhắc đến nhiều trong quý III, nhưng biến động phần lớn tương tự như thị trường chung. Ngày 2/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường nhờ thông tin hỗ trợ từ kết quả hoạt động tốt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), giúp VN-Index tăng 2,4% và vượt qua mức kháng cự 600 điểm.
Các số liệu trong tháng 9 cũng cho thấy, nhờ hoạt động bán nợ xấu cho VAMC, ngành ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức mục tiêu 3% của NHNN. Vào giữa tháng 7, số liệu về tăng trưởng tín dụng đã cho thấy mức tăng mạnh 7,83% ghi nhận trong 6 tháng đầu năm và những số liệu trong tháng 9 tiếp tục cho thấy tăng trưởng tín dụng đang ở mức gấp đôi năm ngoái.
Tăng trưởng ấn tượng nhất là “nhóm cổ phiếu TPP”. Chỉ riêng trong tháng 7, nhóm cổ phiếu này đã tăng 15%. Tuy nhiên vào ngày 3/8, đàm phán tại Hawaii đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, khiến nhóm cổ phiếu này rơi theo đà giảm chung của thị trường trong vòng 6 tuần tiếp theo. Tuy nhiên, nhóm này đã có sự hồi phục vào 2 tuần cuối quý và kết thúc quý với mức tăng gần 5%. Vào quý tới, đàm phán thành công tại Atlanta có thể sẽ thúc đẩy nhóm cổ phiếu này tăng trưởng mạnh hơn.
Một sự kiện khác không diễn ra trong quý III, nhưng cũng quan trọng là Nghị định 60/2015/NĐ-CP nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60 còn gây thêm nhiều thắc mắc về các ngành, nghề kinh doanh bị giới hạn tỷ lệ sở hữu và cách thức giải quyết với những công ty đa ngành trong trường hợp một trong số các ngành, nghề bị giới hạn.
Thêm vào đó, ngày 1/9, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trở thành công ty đầu tiên nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 100%, nhưng sau đó giao dịch cũng chỉ ở mức khiêm tốn với tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiếm khi ở trên mức 50%. Theo thời gian, Nghị định 60 chắc chắn sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, tuy nhiên đây sẽ là một quá trình phát triển dài hạn.
Barry David Weisblatt (Giám đốc Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán VPBS)

Theo baodautu.vn