TTCK hiện có 79 CTCK đang hoạt động, giảm 25 công ty so với trước



Nhiều thương vụ sang nhượng
Thời gian qua, không ít CTCK nội đã được bán cho chủ ngoại. Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho phép một loạt cổ đông nội tại CTCK An Thành (ATSC) bán cổ phần cho đối tác ngoại.
Theo đó, cả 3 cổ đông sáng lập cá nhân là Phạm Ngọc Phú (Tổng giám đốc đương nhiệm của ATSC), Nguyễn Hữu Long và Phạm Đức Toàn được chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu cho đối tác ngoại. Trong đó, ông Phú được phép bán hơn 1 triệu cổ phiếu (26,34% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư Tsai Hsiu-Li (Đài Loan), ông Long và ông Toàn được phép chuyển nhượng toàn bộ 800.000 cổ phiếu (19,51%) cho một nhà đầu tư Đài Loan là Lan Wan-Chen.
Với việc đối tác Đài Loan được phép sở hữu tới 45,85% cổ phần tại ATSC, cùng với hai cổ đông cá nhân trong nước khác được phép sở hữu 54,12% cổ phần (vừa được UBCK cho phép mua gom cổ phiếu từ các cổ đông cá nhân và tổ chức khác), cổ đông tại ATSC trở nên “cô đặc” hơn bao giờ hết. Sự xuất hiện dàn cổ đông hoàn toàn mới, rất có thể đây là bước một để đối tác Đài Loan tiến tới “mua đứt” ATSC.
Tại CTCK Mirae Asset Wealth Management Việt Nam (MASVN), ĐHCĐ bất thường năm 2015 vừa kết thúc, cho phép cổ đông ngoại hiện nắm 49% cổ phần MASVN là Công ty Mirae Asset Wealth Management Limited (Hồng Kông) được mua cổ phần để sở hữu 100% vốn điều lệ của MASVN, thông qua mua 13,8 triệu cổ phần (46% vốn điều lệ) từ CTCP Đầu tư - Xây dựng P/E và 1,5 triệu cổ phần (5% vốn điều lệ) từ CTCP Đầu tư Minh An. Trước đó, ĐHCĐ MASVN đã thông qua phương án chuyển đổi MASVN từ công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên, sau khi được UBCK chấp thuận.
Đối với CTCK Nam An (NASC), sau khi được UBCK cho phép 7 cổ đông cá nhân trong nước chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần, tương đương 100% vốn điều lệ cho Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc), cổ đông ngoại này đang xúc tiến chuyển đổi mô hình hoạt động của NASC từ công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên.
Với CTCK KIS Việt Nam (KIS), Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc đã sở hữu gần 100% cổ phần tại KIS. Mới đây (ngày 15/10), ĐHCĐ của KIS đã thông qua phương án sửa đổi Điều lệ Công ty với nội dung: nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần để sở hữu không hạn chế vốn điều lệ của Công ty. Đây được coi là bước cuối cùng để đối tác Hàn Quốc sở hữu 100% cổ phần tại KIS.
<strong style="line-height: 1.4em;">Quý III/2015, nhiều công ty vẫn lỗ[/B]
Có một điểm chung là trước khi được nhượng bán cho nhà đầu tư ngoại (gần như toàn bộ đến từ châu Á), nhiều CTCK rơi vào cảnh thua lỗ triền miên. Sự xuất hiện của ông chủ ngoại có giúp các CTCK thoát khỏi tình cảnh này suốt nhiều năm qua?
Báo cáo tài chính quý III/2015 của các công ty cho thấy, ngoại trừ KIS có lãi trong quý III/2015, các CTCK mới chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại trong thời gian gần đây như: An Thành, Nam An, MASVN… đều ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Tình trạng này càng làm cho số lỗ lũy kế thêm phình to.
Đáng chú ý, cả 4 CTCK nêu trên đều đang có lỗ lũy kế (xem bảng). Trong đó, CTCK Nam An có mức lỗ lũy kế lớn nhất là gần 77 tỷ đồng, vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Với hiện trạng kết quả kinh doanh còn bết bát và sức khỏe tài chính còn ốm yếu như vậy, xem ra cần có thêm thời gian để các ông chủ ngoại lật ngược tình thế thua lỗ. Nhưng làm được điều này không đơn giản, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong khối CTCK đang ngày thêm gay gắt, thứ hạng cao thấp đã được phân định và phân hóa khá rõ nét. Dù chỉ 1% cơ hội, thị trường vẫn đang dõi theo “bàn thắng phút 89” mà các ông chủ ngoại có thể làm được để “đổi vận” thua lỗ triền miên cho các CTCK.
Hữu Hoè (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn