Năm 2015, nhiều “tân binh” có mức tăng giá đáng kể sau khi chào sàn như NCT, HAH, AMD, CDO, CSV, DGW, NT2, HNG…



Nhìn lại những cổ phiếu niêm yết trong năm 2014, nhiều mã có mức tăng giá ấn tượng như MWG, SKG, SHP…, mang lại lợi nhuận lớn cho NĐT. Cụ thể, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động chào sàn ngày 14/7/2014 với giá tham chiếu 68.000 đồng/CP, sau đó giá cổ phiếu này nhanh chóng tăng cao, nhiều phiên đạt trên 100.000 đồng/CP.
Sau hơn 1 năm niêm yết, cổ phiếu MWG quay lại mức giá ngày đầu chào sàn. Như vậy, trong hơn 1 năm niêm yết, nếu NĐT giữ cổ phiếu này thì hòa vốn, nhưng nếu bán đúng thời điểm thì đạt mức sinh lời đáng kể.
Tương tự, cổ phiếu SKG của CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang lên sàn ngày 8/7/2014 với giá tham chiếu 29.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, SKG có 3 phiên tăng giá lên mức 42.500 đồng/CP. Duy trì đà tăng đến nay, nhất là khoảng thời gian từ tháng 7 - 9/2015, thị giá SKG nhích dần từ 57.000 đồng/cổ phiếu lên 87.000 đồng/cổ phiếu (ngày 27/10).
Diễn biến tăng giá của SKG được nhận định là nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh giá nguyên liệu giảm, nhu cầu du lịch đến Phú Quốc ngày càng tăng, trong khi SKG gần như kinh doanh độc quyền trên tuyến đường biển này.
Năm 2015, thị trường chào đón nhiều cổ phiếu mới, trong đó nhiều mã có mức tăng giá đáng kể như NCT, HAH, AMD, CDO, CSV, DGW, NT2, HNG… Chẳng hạn, NCT có mức giá tham chiếu được nhận xét là cao, 75.000 đồng/cổ phiếu, nhưng ngay trong phiên chào sàn, mã này đã tăng giá hết biên độ cho phép 20%, đóng cửa tại 90.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, cổ phiếu NCT duy trì được đà tăng, đạt mức giá 134.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, không ít trường hợp cổ phiếu chào sàn bị rớt giá, có mã chỉ tăng được 1 - 2 phiên đầu, sau đó là chuỗi ngày sụt giảm. Những NĐT không lường trước diễn biến này, hoặc không cắt lỗ kịp thời đã ngậm ngùi nhìn tài khoản “bốc hơi”. Đơn cử, trường hợp mã DGW của CTCP Thế giới số Digiworl, chào sàn với mức giá tham chiếu 52.000 đồng/cổ phiếu.
Với việc nằm trong Top 3 nhà phân phối sỉ tại Việt Nam, nhiều NĐT kỳ vọng, giá cổ phiếu DGW sẽ có xu hướng tăng cao, nhưng thực tế, sau khi tăng nhẹ trong 3 phiên đầu, cổ phiếu này liên tục có diễn biến giảm. Chốt phiên 27/10, DGW có thị giá 36.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với giá tham chiếu ngày chào sàn.
Cổ phiếu LDG của CTCP Địa ốc Long Điền, một công ty thành viên của Tập đoàn Đất Xanh cũng được NĐT quan tâm trước khi niêm yết. Cổ phiếu này tăng giá trần trong phiên chào sàn, nhưng sau đó giảm khá mạnh trong tháng 9, với mức giảm 16,67%.
Một số cổ phiếu khác ghi nhận mức giảm giá mạnh là KVC, ACM, HKB… Trong đó, ACM chào sàn ngày 23/7 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện thị giá chỉ vỏn vẹn 3.400 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 8, ACM đã phải giải trình nguyên nhân giá cổ phiếu giảm sàn 10 phiên liên tiếp.
Diễn biến giảm giá của những cổ phiếu trên có nhiều nguyên nhân, có thể do định giá tham chiếu quá cao, không phù hợp với triển vọng hoạt động của doanh nghiệp, cũng có thể do cổ phiếu niêm yết vào thời điểm thị trường không thuận lợi (điển hình là cuối tháng 8, VN-Index có xu hướng giảm mạnh).
Ngược lại, cổ phiếu tăng giá mạnh sau khi chào sàn cũng chưa hẳn là do doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, hoặc tiềm năng tăng trưởng cao. Trong một số trường hợp, thị trường nghi ngờ có sự tham gia của “đội lái”, đẩy giá cổ phiếu lên cao trong những phiên chào sàn.
Do đó, NĐT được khuyến nghị, nếu không hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì không nên “đua” theo trào lưu đầu tư vào các “tân binh”.
Nhã An (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn