Hội thảo về chuẩn phân ngành GICS và các chỉ số ngành HOSE diễn ra tại TP.HCM chiều nay (27/11)



Việc tính toán chỉ số theo phương pháp mới cùng với các bước sàng lọc cổ phiếu về thanh khoản và freefloat đã giúp cho các chỉ số của HOSE phản ánh tốt hơn biến động của thị trường, đáp ứng nhu cầu về các chỉ số có thể đầu tư được, từ đó phát triển các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số.
HOSE dự kiến sẽ triển khai các chỉ số ngành thuộc phân ngành cấp 1 của GICS và ra mắt thị trường vào quý 1/2016. Theo số liệu thống kê sơ bộ dựa vào dữ liệu VNAllshare tại kỳ 2/2015, ba ngành chiếm tỷ trọng vốn hoá cao nhất trong VNAllshare là ngành tài chính (46,95%), kế đến là ngành tiêu dùng thiết yếu (23,91%) và ngành công nghiệp (8,57%).
Chuẩn phân ngành quốc tế GICS (Global Industry Classification Standard) là cơ sở để HOSE xây dựng các chỉ số ngành. Chuẩn phân ngành GICS được xây dựng bởi tổ chức hàng đầu thế giới về chỉ số là MSCI và công ty tài chính Standard & Poor's.
Đây là chuẩn phân ngành chuyên biệt dành cho lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhằm mục đích phân loại các ngành để đầu tư. Áp dụng chuẩn phân ngành GICS vào các chỉ số ngành sẽ giúp cho các chỉ số này mang tính chất dễ dàng so sánh giữa các thị trường trong khu vực và quốc tế theo một chuẩn mực chung, từ đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc HOSE, việc áp dụng bộ áp dụng chuẩn phân ngành quốc tế GICS và xây dựng bộ chỉ số theo chuẩn phân ngành mới là một bước đi của HOSE trong lộ trình chung nhằm nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Việc này cũng giúp cho các nhà đầu tư quốc tế có thể tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Theo HOSE, nhu cầu tham chiếu của thị trường theo từng lĩnh vực ngành đang ngày càng cấp thiết. Đó là lý do HOSE phát triển các chỉ số ngành nhằm giúp thị trường có thêm công cụ thể tham chiếu, hỗ trợ đầu tư.
Dựa vào các chỉ số ngành, nhà đầu tư có thể có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng của một nhóm các doanh nghiệp cùng ngành nghề, thay vì chỉ nhìn cận cảnh từng doanh nghiệp, qua đó nhận biết được biến động dòng tiền và tiềm năng tăng trưởng của các nhóm ngành nói chung và của từng cổ phiếu trong ngành nói riêng, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Ngoài ra, việc xây dựng các chỉ số ngành còn giúp HOSE xây dựng một hệ thống dữ liệu chuyên biệt theo từng nhóm ngành, hỗ trợ cho việc quản lý, theo dõi, giám sát các công ty niêm yết theo từng ngành. Rổ chỉ số ngành của HOSE được chọn lọc từ danh mục thành phần của chỉ số VNAllshare, do đó, đảm bảo được những tiêu chuẩn sàng lọc tối thiểu về thanh khoản và freefloat để có thể đầu tư được.
Các chỉ số ngành sẽ được tính toán theo tần suất 1 phút/lần, áp dụng các tham số về tỷ lệ tự do chuyển nhượng và giới hạn tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần không vượt quá 15% toàn danh mục.
Ở góc độ người sử dụng, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) cho biết, việc ra đời bộ chỉ số ngành của HOSE là rất cần thiết , giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường, qua đó sẽ có các quyết định hợp lý hơn.
Bà Hạnh đưa ra ví dụ, chẳng hạn trong danh mục công ty quản lý quỹ có 10 ngành, công ty và nhà đầu tư có thể quan sát dộng thái 10 ngành đó so với tình hình chung của thị trường. Công cụ sẽ giúp nhà đầu tư giám sát xem công ty quản lý quỹ đầu tư có hiệu quả hay không. Ngoài ra, chỉ số ngành ra đời sẽ hỗ trợ tốt các công cụ đi kèm theo các sản phẩm đầu tư chỉ số ETF.
HOSE cho biết, mới đây, HOSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Theo thỏa thuận với MSCI, HOSE sẽ cung cấp miễn phí thông tin phân ngành doanh nghiệp đến Cấp 2 – Nhóm ngành cho toàn thị trường. Tùy điều kiện phát triển thị trường, HOSE sẽ xem xét thỏa thuận với MSCI để cung cấp thông tin phân ngành đến mức chi tiết hơn để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đầu tư.
Chí Tín

Theo baodautu.vn