Lúng túng trong xử lý sở hữu chéo Nếu thanh khoản là điểm cộng, thì xử lý sở hữu chéo là điểm trừ của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được hợp nhất thành công từ 3 ngân hàng thương mại GS. Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế nhận xét, việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng, không hiệu quả, thậm chí còn có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù trong số 45 giải pháp thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015), có tới 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xử lý sở hữu chéo, song kết quả đạt được lại rất thấp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, mới chỉ có 2 trường hợp sáp nhập và hợp nhất liên quan đến sở hữu chéo (SCB hợp nhất từ 3 ngân hàng, DaiABank sáp nhập HDBank). Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận về mặt chủ trương hai thương vụ có chung sở hữu chéo là Southern Bank sáp nhập Sacombank, MDB sáp nhập Maritime Bank. Thế nhưng, nếu trừ đi 4 ngân hàng trên, trong hệ thống vẫn còn 4 cặp ngân hàng khác đang sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Ngoài ra, còn hơn 30 tổ chức tín dụng đang có cổ đông là một hoặc một số tổ chức tín dụng khác. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, còn có một nghịch lý nữa là, Việt Nam đang sử dụng sở hữu chéo để tái cơ cấu, vì vậy, sau hai năm tái cơ cấu, sở hữu chéo dường như có xu hướng tăng và phức tạp hơn, như trường hợp của Ngân hàng TMCP Xây dựng...Sắp tới, khi các doanh nghiệp nhà nước thoái khoảng 11.000 tỷ đồng vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, thì mạng nhện sở hữu chéo có nguy cơ càng dày đặc hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước khẳng định: “Danh sách ngân hàng, cổ đông liên quan đến sở hữu chéo đã được NHNN nắm hết, song việc bóc tách sở hữu chéo không thể vội vàng, vì nếu xử lý không khéo, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng”, vị lãnh đạo này cho hay. Ngoài việc ngân hàng sở hữu cổ phần lẫn nhau, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, tình trạng ngân hàng sở hữu lòng vòng các doanh nghiệp kinh doanh vẫn chưa được xử lý và NHNN cũng chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể để giám sát hiện tượng này. Thiếu minh bạch đáng sợ hơn sở hữu chéo NHNN vừa đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần của các cổ đông lớn tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải có kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chậm nhất trước ngày 31/3/2015. Nếu không, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải chuyển nhượng cổ phần cho NHNN hoặc tổ chức tín dụng do NHNN chỉ định. Chưa rõ quy định này có khả thi hay không, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu làm rõ tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn, yêu cầu các cổ đông lớn thoái vốn về đúng mức quy định, loại bỏ các cổ đông không có năng lực tài chính…, thì sở hữu chéo không còn là vấn đề đáng ngại. “Bản chất sở hữu chéo sẽ không đáng ngại, nếu như nó minh bạch”, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định. Tán thành với ý kiến này, GS.TS Ngô Trí Long cho rằng, muốn xử lý sở hữu chéo, phải minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí cần phải cưỡng chế bằng biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức tín dụng tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN phải buộc các ngân hàng thương mại có kế hoạch niêm yết. “NHNN phải coi việc thúc đẩy các ngân hàng thương mại nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán là biện pháp để minh bạch hóa hoạt động của ngân hàng”, ông Long nói. Dù nhất trí đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, sở hữu chéo tồn tại trong hệ thống ngân hàng nước ta một phần do vấn đề lịch sử, nên việc xử lý cũng cần khéo léo, thận trọng. Theo đó, NHNN cần có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết các mối quan hệ sở hữu chéo đã tồn tại do các chính sách hoặc do việc buông lỏng quản lý trước đây. <em itemprop="author"> Thùy Liên [/I]
Thùy Liên

Theo baodautu.vn