Ngân hàng vẫn “ăn dày” lãi suất Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, mặt bằng lãi suất tuy đã giảm mạnh so với trước đây, song bất cập là chênh lệch lãi suất huy động - cho vay vẫn đứng ở mức cao. Thực tế, sau những đợt liên tiếp hạ lãi suất huy động vài tháng gần đây, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn ngắn của các ngân hàng hiện chỉ còn 4,5 - 5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài khoảng 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay trên thị trường là 8 - 12%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay hiện ở mức 3,5 - 5%/năm. Mức chênh lệch này, theo nhiều DN và chuyên gia kinh tế, là quá cao. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, ngân hàng sống bằng chênh lệch lãi suất là đương nhiên, song mức chênh lệch tới 3,5 - 4% như hiện nay là quá cao. Do đó, ngân hàng cần giảm chênh lệch này xuống còn khoảng 2,5% để hỗ trợ DN. Cũng theo vị đại biểu này, có tới 30% DN tốt tại TP.HCM không có ý định vay vốn, dù được ngân hàng chào mời, với lý do lãi suất quá cao. Phản ánh của các DN cũng cho thấy, lãi suất cho vay bình quân vẫn là 11 - 12%/năm – mức cao nhất trong khu vực, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Chính ông Phạm Huy Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay phải ở mức 6 - 7%/năm mới có thể hỗ trợ được DN. Thế nhưng, mức lãi suất thấp chỉ áp dụng cho khách hàng tốt – vốn rất khó tìm trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, đa số DN vẫn phải “rất khổ” với lãi vay 11-12%/năm”. Ưu tiên “cứu” ngân hàng? Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có ý định giảm thêm trần lãi suất dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa. Lạm phát, tỷ giá, lãi suất thực dương… là những nguyên nhân thường được đưa ra để lý giải cho sự chần chừ của NHNN. Song nguyên nhân thực sự dường như không chỉ có vậy. Dễ thấy là, thời gian gần đây, các ngân hàng luôn than thừa tiền, song vẫn có những ngân hàng yếu đang âm thầm huy động lãi suất cao, lên tới 8%/năm. Chính vì vậy, nếu hạ thêm lãi suất, chắc chắn dòng tiền chảy vào các ngân hàng sẽ xáo trộn, thanh khoản một số ngân hàng có thể bị đe dọa. Một thực tế khác, dù hiện nay, các ngân hàng đang “ăn” chênh lệch lãi suất khá cao, song lợi nhuận lại rất thấp, có ngân hàng chỉ lãi 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Vậy lợi nhuận của các ngân hàng chạy đi đâu? Câu trả lời chính là nợ xấu. Khối nợ xấu khổng lồ chưa được xử lý đang ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng. Rõ ràng, ngân hàng yếu vẫn còn, nợ xấu vẫn nguyên. Những ung nhọt này đang trở thành rào cản giảm lãi suất, đồng thời chi phối các quyết định điều hành lãi suất của NHNN. Đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng: “Điều hành chính sách tiền tệ đang thiên lệch: chỉ giữ cho ngân hàng, mà không quan tâm nhiều đến lĩnh vực khác”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định: “Hiện nay, các ngân hàng đang phải nỗ lực cứu bản thân mình, chứ chưa đủ sức cứu DN. Khối nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng mới đang ‘ẩn nấp’, chứ chưa được xử lý. Nhiều ngân hàng sở hữu nợ xấu khổng lồ, trong khi vốn điều lệ quá nhỏ bé. Tôi cho rằng, dù có lấy hết lãi để xử lý nợ, thì họ cũng phải cần 5 - 6 năm nữa. Vì vậy, đừng hy vọng ngân hàng sớm giảm lãi vay, giảm chênh lệch lãi suất”. Cũng theo chuyên gia này, nếu cách thức và tốc độ xử lý nợ xấu thời gian tới vẫn như hiện nay, thì lãi suất sẽ rất khó giảm thêm, tín dụng tiếp tục đóng băng và đương nhiên, sự trì trệ của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài. <em itemprop="author"> Hà Tâm [/I]
Hà Tâm

Theo baodautu.vn