Ngân hàng lớn vượt mục tiêu tăng tín dụng Từ ngày 29/10, Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất ngắn hạn từ 6%/năm xuống còn 5,5%. Cùng với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng được 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh (BIDV, VCB, Agribank, VietinBank) hứa sẽ đưa về 10%/năm. Ngân hàng lạc quan hơn về tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Đ.T Bà Bùi Thị Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank khẳng định, VietinBank rất coi trọng việc tăng trưởng tín dụng gắn liền với chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Chính vì vậy, VietinBank một mặt sẽ điều chỉnh hạ lãi suất thêm để đẩy mạnh cho vay, một mặt sẽ cắt giảm thêm chi phí thường xuyên để vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, vừa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của ngân hàng. Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, việc lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm tuy chưa thể tác động mạnh đến quyết định vay vốn của doanh nghiệp, song sẽ khuyến khích được một bộ phận doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng. Từ đó, kích thích tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế mới đạt 7,85%, song nhiều ngân hàng tỏ ra khá lạc quan về tăng trưởng tín dụng của cả năm. Tương tự, ông Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, 10 tháng đầu năm, VCB đã tăng trưởng tín dụng gần 10%, khả năng cả năm sẽ đạt được 16%. BIDV, VietinBank, VCB, Agribank hiện chiếm 40% thị phần tín dụng cả nước. Do đó, việc các ngân hàng này vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống. Hơn nữa, theo quy luật, tín dụng sẽ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm, nên việc đạt chỉ tiêu cũng không phải là đáng ngại. “Với tình hình kinh tế đang diễn biến tích cực, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mục tiêu 12 - 14% và năm 2015 có thể tăng 16%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, các ngân hàng phải cố gắng cân đối để giảm lãi suất cho vay nhiều hơn nữa, tạo động lực cho doanh nghiệp vay vốn”, TS. Trần Hoàng Ngân nhận định. Tăng trưởng sẽ quay lại vào năm 2015? Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với một quốc gia phát triển dựa vào vốn như Việt Nam, tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với các ngân hàng, mà đối với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh chung của nền kinh tế. Được biết, mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra trong năm 2015 là 6,2%, cao hơn khá nhiều so với dự báo của các tổ chức nước ngoài, song theo các chuyên gia, mục tiêu này có thể khả thi. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ xoay quanh 6% và lạm phát sẽ xoay quanh mức 5,5%. Nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là cơ sở cho sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến cáo, cần phải có những chuyển biến rõ nét trong thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và đầu tư công để tránh những rủi ro về lạm phát. <em itemprop="author"> Hà Tâm [/I]
Hà Tâm

Theo baodautu.vn