Trong khi đó, lãi suất cho vay chỉ mới thực sự giảm ở khối doanh nghiệp (DN) và những khách hàng tốt, với mức lãi suất ưu đãi 5 -7%/năm. Còn nhìn chung, mức lãi suất cho vay phổ biến vẫn cao, nhất là cho vay trung và dài hạn và đối tượng chịu lãi suất cao là cá nhân. Kỳ vọng lãi suất giảm sâu là không dễ Thực tế cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại vẫn lên đến 4 - 4,5%/năm. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, trước khi có quyết định giảm trần lãi suất huy động, lãi suất huy động bình quân của ACB là 5,74%/năm và lãi suất cho vay là 9,79%/năm, nên biên lợi nhuận mà ACB thu về là hơn 4,2%. Còn ở Sacombank, mức chênh lệch này khoảng 4%; ở Eximbank cũng xoay quanh 3,5-4%, còn Vietcombank là 2,5 - 3%. Trong khi đó, đại diện nhiều ngân hàng TMCP cho rằng, lãi suất cho vay đối với DN hiện đã giảm xuống khá sâu và chỉ 5-7%/năm cho khách hàng tốt. Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN xuất khẩu và các khách hàng có sức khỏe tốt hiện chỉ được ngân hàng áp dụng ở mức 7-8%/năm, nên khó kỳ vọng biên lợi nhuận cao. Duy chỉ với khách hàng cá nhân, vay vốn mua nhà cũng như tiểu thương và vay tiêu dùng trung, dài hạn lãi suất mới trên dưới 10%/năm. Thực tế, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện vẫn được các ngân hàng TMCP áp dụng phổ biến ở mức 12-14%/năm. Còn mức 8-9%/năm chỉ ưu đãi trong 3 tháng đầu, sau đó, lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tăng lên để bù đắp cho ưu đãi trước đó. Theo lý giải của lãnh đạo nhiều ngân hàng, vốn dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà chủ yếu là trung và dài hạn, nên rủi ro cũng gia tăng. Vì thế, kỳ vọng lãi suất giảm sâu là không dễ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, hiện tại, cạnh tranh trong việc giành thị phần tín dụng quả thực là bài toán khó đối với ngân hàng. “Tín dụng khó tăng, trong khi nợ xấu vẫn là mối lo lớn, nhưng khách hàng tốt lại không có nhu cầu sử dụng vốn vay tại thời điểm này, cho dù chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của OCB hiện chỉ còn khoảng 2,1-2,5%”, ông Tùng nói. Chính Tổng thư ký Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Phước Hưng thừa nhận, lãi suất cho vay ở mức thấp 6-7%/năm chỉ dành cho một vài DN tốt. Còn phần lớn các DN vẫn phải vay với lãi suất thấp nhất là 10%/năm với vay ngắn hạn và lãi suất cho vay là 11%/năm với cho vay trung và dài hạn. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng khuyến cáo, các ngân hàng TMCP cần cố gắng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5-4% hiện nay xuống còn 2,5-3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay. “Về vấn đề này, các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia sẽ tiếp tục có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, nhằm xem xét hạ lãi suất cho vay, nhất là sau khi trần lãi suất huy động giảm xuống còn 5,5%/năm”, ông Lịch nói. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP lớn tại TP.HCM cho rằng, mức chênh lệch lãi suất hiện tại chỉ đủ để ngân hàng trang trải chi phí, trích dự phòng rủi ro, chứ khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao trước tình hình hiện nay. <em itemprop="author"> Thùy Vinh [/I]
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn