Lợi nhuận đã phục hồi Báo cáo tài chính của VIB cho biết, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng 9 tháng đầu năm đạt 798 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 234 tỷ đạt 72% kế hoạch cả năm 2014. Bên cạnh đó, Sacombank đạt 2.402 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm (3.000 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế theo tăng 13%, đạt 1.878 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2014 của VPBank cho biết, 9 tháng đầu năm lãi 1.070 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2013 dù nhân sự quý 3 tăng thêm 1.375 người. Đặc biệt, những ngân hàng được nhìn nhận là nhỏ nhưng kết quả cũng rất khả quan như lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 170 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ (tương đương 81% kế hoạch năm - 210 tỷ đồng). Lãi sau thuế của NamABank cũng cao gấp 3,4 lần, đạt hơn 130 tỷ đồng. Hay tại TPBank, tính đến 30/09/2014, lợi nhuận lũy kế 9 tháng (sau khi đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro) đạt 447 tỷ đồng, bằng 102% mức kế hoạch 438 tỷ đồng mà ĐHCĐ của Ngân hàng đã đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014 của VPBank cho biết, tại thời điểm 30/9 ngân hàng và các công ty con có tổng cộng 9.212 nhân sự, tăng thêm 1.375 nhân sự so với thời điểm 30/6. Riêng nhân sự của VPBank, so với cuối năm 2013 tăng thêm tới 2.417 người, lượng nhân sự tăng thêm trong 9 tháng đã bằng tổng nhân sự của 2 ngân hàng quy mô nhỏ cộng lại. Tại thời điểm 30/9, VPBank và các công ty con có tổng cộng 9.212 nhân sự “Nhân sự tăng nên chi phí cho nhân viên của VPBank cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, trong tổng chi phí hoạt động 2.455 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm nay (tăng 35,7% so với cùng kỳ) thì chi phí cho nhân viên đã chiếm tới gần 54% cụ thể là 1.317 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi tháng VPBank chi 20,7 triệu đồng cho một nhân sự”, báo cáo tài chính của VPBank cho biết. “Cần phải chú ý đây là tính bình quân nên sẽ có những vị trí cao cấp mức lương vẫn rất “khủng” trong khi lương của nhân viên thì vô cùng “đì đẹt”, một cán bộ ngân hàng nhấn mạnh Lương, điệp khúc ca buồn Chia sẻ với PV, trưởng phòng giao dịch của Ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho biết, cách đây 4 năm, lương 1 tháng xê dịch trong khoảng 25-30 triệu đồng, mỗi quý thưởng 1 lần, 6 tháng lại thưởng, cuối năm tiếp tục thưởng mấy tháng lương gộp vào có khi mua được một chiếc ô tô nhỏ. “Tuy nhiên, ‘ngày ấy xa rồi’… Giờ lương tháng chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng trong khi áp lực công việc thì phải nói là ‘khủng khiếp’, vị trưởng phòng này cho biết. Nhân viên kế toán một ngân hàng chia sẻ, cũng khoảng thời gian 4 năm trước thu nhập khoảng 15 triệu/tháng nhưng 3 năm trở lại đây, lương đã liên tục giảm và hiện đứng ở mức 5 triệu/tháng. “Mức này chưa phải là đáy bởi lãnh đạo liên tục đưa ra thông điệp, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro… nên sắp tới lương tiếp tục thu hẹp lại. Tôi đang tính quay về lại doanh nghiệp nhà nước làm công chức, thu nhập ổn định mà lại không quá áp lực, đối mặt với nhiều rủi ro”, nhân viên này nói. Trong chuyến công tác của PV tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, chủ đề thu nhập giảm mạnh được các nhân viên ngân hàng đi cùng đoàn… “buôn” ác liệt. Nhân viên văn phòng của Ngân hàng M tại chi nhánh Vĩnh Long cho biết, hàng tháng mang về nhà đúng 3 triệu nhưng vẫn còn may hơn các đồng nghiệp khác vì anh có thâm niên gần 10 năm công tác. “Ở đâu bảo lương cao tôi chẳng biết chứ thực tế ngân hàng tôi cho thấy chưa bao giờ thu nhập của nhân viên tệ như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn có tiền mang về nhà là còn may, anh đồng nghiệp bên chi nhánh ngân hàng S do dính nợ xấu nặng nên hiện không hoạt động tín dụng, chỉ tập trung thu hồi nợ do đó gần như không có thu nhập”, anh nhân viên này chia sẻ và cho biết: “đến cán bộ hoạt động nghiệp vụ chỉ còn ‘lương cơ bản’ ở mức đôi ba triệu một tháng, nhân viên văn phòng không bị sa thải là đã may”. Tình hình chung cho thấy, lương của nhân viên ngân hàng không còn được “nóng” như nhiều năm trước chứ không dám “mơ” đến thưởng cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu khi nợ xấu trong hệ thống nói chung và từng ngân hàng nói riêng mặc dù đã được giải quyết nhiều nhưng vẫn còn lớn. “Giảm lương nên xem là chi phí đề tồn tại, phát triển trong tương lai của hệ thống. Nhân viên ngân hàng phải chấp nhận trả giá bây giờ để có một hoạt động ngân hàng lành mạnh có lợi nhuận về sau. Tuy nhiên, không nên có một tỷ lệ cào bằng trong việc giảm lương mà các lãnh đạo cấp cao cần sự hy sinh nhiều hơn cán bộ cấp dưới. Dù trọng trách lớn, thu nhập phải cao hơn nhưng nếu không có nhân viên, lãnh đạo cũng không thể làm gì được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng gợi ý. <em itemprop="author"> Nhuệ Mẫn (Tinnhanhchungkhoan.vn)[/I]
Nhuệ Mẫn

Theo baodautu.vn