[IMG]files/2014/12/06/kinh-doanh-trang-thai-gia-vang-bau-kien-choi-chu-1.jpg[/IMG] Vàng trạng thái có khác trạng thái giá vàng? Bản án sơ thẩm xác định, Công ty Thiên Nam do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng vẫn ký hợp đồng để thay thế VietBank thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với ACB. [IMG]files/2014/12/06/kinh-doanh-trang-thai-gia-vang-bau-kien-choi-chu-1.jpg[/IMG] Sàn vàng của ACB khi còn được phép hoạt động. Ảnh: Đức Thanh Người đại diện Công ty Thiên Nam thực hiện giao dịch vàng tài khoản là Nguyễn Đức Kiên thông qua hệ thống ghi âm tại Ngân hàng ACB. Từ ngày 30/11/2009 đến ngày 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã giao dịch tổng cộng hơn 462.000 ounce vàng (tương đương 9.796 tỷ đồng). Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB. Từ ngày 30/3/2010, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài. Sau khi tất toán vàng trên tài khoản nước ngoài, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 403 tỷ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh trên. Tuy nhiên, bầu Kiên đã phủ nhận toàn bộ tội danh này. Theo lập luận của bầu Kiên, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, mà kinh doanh trạng thái giá vàng. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng không được quy định trong các văn bản pháp luật, nên không bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật về quản lý vàng có hiệu lực vào thời điểm đó. Tại phiên xét xử sơ thẩm trước đó, bầu Kiên cũng khẳng định: “Tôi không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái, mà đầu tư vào giá vàng - một sản phẩm tài chính phái sinh mà ACB đã ghi rõ trong hợp đồng”. Cũng theo bị cáo Kiên, trước năm 2012, vàng không phải loại hàng phải đăng ký kinh doanh, mà là một loại hình đầu tư tài chính. Năm 2012, Nhà nước mới có thông tư quy định việc kinh doanh vàng phải có giấy phép. Còn đầu tư trạng thái giá vàng không gọi là kinh doanh vàng. Ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tại thời điểm năm 2009, chỉ có 2 văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, đó là Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN quy định về việc kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và Nghị định 174/1999/NĐ-CP về điều chỉnh kinh doanh vàng vật chất. Vậy, thực chất hoạt động kinh doanh giá vàng như bầu Kiên nói và kinh doanh vàng trạng thái (kinh doanh vàng qua tài khoản) có gì khác nhau và liệu có nằm “ngoài vùng phủ sóng về văn bản pháp luật” như bầu Kiên nói? Kinh doanh vàng chỉ có 2 loại Khi được hỏi về khái niệm kinh doanh giá vàng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vàng tỏ ra rất ngạc nhiên. Ông Nguyễn Thế Lựu, Giám đốc Công ty Vàng Mường Thanh cho hay: “Tôi không hiểu rõ về khái niệm đầu tư giá vàng, song theo tôi, nghĩ đầu tư giá vàng và vàng tài khoản đều là một”. Mới đây, trả lời Tòa phúc thẩm về việc “kinh doanh giá vàng và kinh doanh vàng trạng thái có khác không?”, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) thừa nhận, hai nội dung trên chỉ khác nhau về tên, chứ không khác nhau về bản chất, bản chất là kinh doanh trên biến động của giá vàng. Tuy nhiên, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng, việc kinh doanh vàng trạng thái giữa Công ty Thiên Nam và ACB là sản phẩm tài chính phái sinh của kinh doanh vàng, chứ không phải là hoạt động kinh doanh vàng, giống như cá độ bóng đá, chứ không phải là bóng đá. Chính vì vậy, bị cáo Hải cho rằng, Thiên Nam không cần giấy phép kinh doanh giá vàng, bởi tại thời điểm ký hợp đồng, chưa có quy định nào về sản phẩm phái sinh. Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Thảo cho rằng, tại thời điểm diễn ra vụ việc chỉ có hai văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng là Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN và Nghị định 174/1999/NĐ-CP, điều chỉnh hai lĩnh vực: vàng tài khoản và vàng vật chất. Theo ông Thảo, việc kinh doanh trạng thái giá vàng như bầu Kiên nói là chưa có quy định và không có văn bản nào điều chỉnh. Khi được phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đề nghị làm rõ việc kinh doanh trạng thái giá vàng có phải là kinh doanh vàng tài khoản (tức chịu sự điều chỉnh của Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN) hay không, ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) đã từ chối trả lời. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận xét: “Kinh doanh vàng thực chất chỉ có hai dạng: một là kinh doanh vàng vật chất, hai là kinh doanh vàng phi vật chất (vàng tài khoản). Kinh doanh vàng trạng thái hay kinh doanh giá vàng thực chất đều là kinh doanh vàng tài khoản, đều kiếm lời dựa trên chênh lệch về giá vàng, chứ không phải mua bán vàng vật chất”. Song theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, hành lang pháp lý về vấn đề kinh doanh vàng phi vật chất đang rất thiếu và yếu. Vì vậy, trong nhiều trường hợp rất khó có thể kết luận là có tội hay không có tội. Liên quan đến trường hợp bầu Kiên, một luật sư khác cho rằng: “Kinh doanh trạng thái giá vàng thực chất chỉ là cách “chơi chữ” của bầu Kiên. Thực chất, đây là hoạt động kinh doanh vàng tài khoản. Tuy nhiên, lý lẽ của bầu Kiên cũng cho thấy, các văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng không chỉ tại thời điểm 2009-2010, mà ngay cả hiện tại cũng chưa cụ thể. <em itemprop="author"> Hà Tâm [/I]
Hà Tâm

Theo baodautu.vn