Phát biểu tại lễ tổng kết hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM vừa qua, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, tính đến cuối năm 2014, tín dụng VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng, đạt 903.318 tỷ đồng, chiếm 84,6% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tăng 12,7% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, tín dụng ngoại tệ đạt 164.519 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng dư nợ và tăng 8,9% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố năm 2014 vẫn ở ngưỡng 5,31%. Nợ xấu phát sinh và tồn tại có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Ảnh: Đ.T Mặc dù nợ xấu trong tầm kiểm soát và đảm bảo khả năng xử lý, đặc biệt là nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, nhưng theo ông Lâm, nợ xấu phát sinh và tồn tại có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, quá trình tuần hoàn, luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Mặt khác, ông Lâm cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế bước đầu phục hồi là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động ngân hàng, song sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và sự phục hồi của các thị trường còn thấp, cũng như sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao đang tác động đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, cũng như chính sách cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm nợ cho khu vực doanh nghiệp này hiện rất thuận lợi. Nợ xấu khó được giải quyết là do việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ còn vướng. Đây là khó khăn tồn tại trong nhiều năm qua, nhất là đối với việc xử lý tài sản là nhà cửa, đất đai. Dù đã có Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, song việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các khoản vay mà khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, trây ỳ. Bên cạnh đó, thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản; thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ. Đại diện VietinBank cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong năm nay là kiên quyết xử lý nợ xấu, nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm đưa nợ xấu về 3%, nhưng nợ xấu trên địa bàn TP.HCM vẫn ở mức 5-6% là con số rất nóng. “Nợ xấu vẫn được xem là cục máu đông của nền kinh tế và không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng phải xử lý. Tuy nhiên, trong lúc này, vai trò của các ngân hàng thương mại luôn phải đi đầu trong việc xử lý nợ xấu, vì thế cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành”, đại diện VietinBank nói và cho rằng, một khi có sự đồng thuận và giải quyết tổng thể, thì vấn đề nợ xấu sẽ sớm được giải quyết. Từ đó, mới có thể khơi thông dòng chảy tín dụng năm nay. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, tín dụng ACB năm qua đạt gần 10%, còn huy động vốn đạt khoảng 12%. Lợi nhuận đạt 1.215 tỷ đồng trước thuế, còn nợ xấu ở mức 2.1%. Kế hoạch năm 2015 được ACB đưa ra ở mức thận trọng, một phần, theo ông Toàn, nợ xấu vẫn là rào cản trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB cũng chỉ đặt ra ở mức phù hợp với chủ trương của NHNN, đồng thời tập trung đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Toàn, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là phát mãi tài sản. Vì thế, ông Toàn kiến nghị UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp xử lý nợ giữa ngân hàng và các cơ quan chức năng tại TP.HCM. Phó thống đốc NHNN, ông Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng, mặc dù TP.HCM là địa bàn trọng điểm, chiếm tỷ lệ tín dụng lớn nhất trên cả nước, nhưng tín dụng năm qua không tăng như kỳ vọng. “Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng, mà quan trọng vẫn là chất lượng dư nợ tín dụng, bởi thực tế, nợ xấu vẫn tăng. Vì thế, mục tiêu của NHNN đưa ra là tăng trưởng tín dụng luôn được đề cao việc kiểm soát rủi ro nợ xấu. Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm nay là tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu hoạt động và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, tập trung các giải pháp xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn liền với các chương trình tín dụng và hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh. <em itemprop="author"> Thùy Vinh [/I]
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn