Tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm 1%, với mục tiêu ổn định cung cầu ngoại tệ và khuyến khích xuất khẩu trong những tháng còn lại. Ngay sau quyết định này, tỷ giá đã dịu bớt lại sau đợt tăng vào tháng 5/2014 do yếu tố tâm lý xuất phát từ căng thẳng ở Biển Đông. Tỷ giá VND/USD niêm yết giao dịch bình quân tại Vietcombank tháng 6/2014 là 21.188 (mua) - 21.230 (bán), bám sát tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Theo dự báo của VPBS, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2015 Tuy nhiên giai đoạn từ nửa sau tháng 10 đến cuối tháng 12/2014, tỷ giá liên tục tăng mạnh. Trong giai đoạn đó, có lúc tỷ giá đã dịu lại vào đầu tháng 12/2014 do NHNN công bố đã bán ra khoảng 1,1 tỷ USD tính đến chiều ngày 1/12/2014. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường tự do lại quay đầu tăng mạnh ngay sau đó, giao dịch ở mức 21.570 - 21.580 VND/USD ngày 31/12, tăng 320 đồng so với ngày 15/10/2014. Tỷ giá VND/USD niêm yết tại Vietcombank dao động trong khoảng 21.380 - 21.405 (ngày 31/12), tăng 150 đồng so với ngày 15/10. Chênh lệch tỷ giá giữa 2 thị trường đứng ở mức cao, khoảng 200 đồng so với mức chỉ 30 đồng thời điểm tỷ giá bắt đầu leo thang (15/10). Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng trong thời điểm cuối năm 2014 là do: Thứ nhất, chỉ số đồng USD đạt mức đỉnh trong 12 năm (92,3) vào ngày 7/1/2015, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014. Đồng USD ngày càng mạnh lên chủ yếu nhờ kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục. Thứ hai, nhu cầu USD tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần ngoại tệ để thanh toán các khoản vay, doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước, doanh nghiệp nhập khẩu trả tiền hàng dịp cuối năm. Cán cân thương mại tháng 12 âm 1,16 tỷ USD. Những yếu tố này gây áp lực đẩy tỷ giá VND/USD tăng. Thứ ba, nhiều ngân hàng gia tăng trạng thái đầu cơ USD trước khả năng NHNN sớm tăng tỷ giá VND/USD vào đầu năm 2015. Ngay những ngày đầu năm 2015, NHNN đã quyết định tăng thêm 1% đối với tỷ giá VND/USD (ngày 7/1). Hành động tăng tỷ giá này được cho là thể hiện quyết tâm ổn định thị trường ngoại hối trước nhu cầu lớn đối với đồng bạc xanh, đồng thời phù hợp với tình hình hiện tại khi đồng USD đang mạnh dần lên so với các đồng tiền khác. Song song đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2014 đang dồi dào ở mức hơn 35 tỷ USD, nên NHNN sẵn sàng bán ra để ổn định thị trường nếu cần thiết. Thông thường, tăng tỷ giá hối đoái có thể tác động tiêu cực lên nền kinh tế bằng cách tạo ra áp lực lạm phát do chi phí nhập khẩu thấp. Tuy nhiên, do lạm phát trong năm 2014 đang ở ngưỡng thấp và giá dầu có chiều hướng tiếp tục giảm, áp lực này không phải là vấn đề quan ngại. Ngược lại, tăng tỷ giá là đòn bẩy hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam, tăng tính cạnh trạnh của các sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu, qua đó hỗ trợ sản xuất nội địa. Ngoài ra, các doanh nghiệp trước kia phải dựa nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ tìm hướng đi mới để ưu tiên nguồn nguyên liệu từ thị trường trong nước. Trong năm 2015, Thống đốc NHNN khẳng định, tỷ giá sẽ không tăng quá 2% và dư địa tăng tỷ giá còn lại trong năm 2015 chỉ còn 1%. Liệu NHNN có tạo thêm cú sốc tỷ giá nào khác hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố như sau: Một là, xuất khẩu. Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015, nhờ cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng. Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam được dự báo là thâm hụt, do phần lớn khối lượng nhập khẩu sẽ vẫn là hàng hóa và phụ tùng để hỗ trợ sản xuất. Như vậy, không cần thiết phải phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu. Hai là, độ mạnh USD so với các loại tiền khác. Thời gian qua, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu gói hỗ trợ kinh tế, khiến tỷ giá của loại tiền này so với USD yếu đi. Bên cạnh đó, những thông tin chính trị bất ổn tại khu vực châu Âu, như cuộc bầu cử tại Hy Lạp, cũng là điểm đáng quan ngại cho giá trị của đồng EUR. Đồng thời, kinh tế Mỹ ấm dần lên khiến thị trường khá lạc quan về việc Fed tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Do đó, đồng USD sẽ dần trở lại vị thế dẫn đầu. Sự mạnh lên của USD cũng là động lực khiến tỷ giá tăng để ổn định cung cầu thị trường. Ba là, dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam là hơn 35 tỷ USD. Theo NHNN, trong năm 2015, cán cân thanh toán sẽ thặng dư 8-9 tỷ USD. Do vậy, nhiều khả năng Chính phủ sẽ vẫn bảo vệ tiền đồng. Theo dự báo của VPBS, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2015, nhưng mức giảm không đáng kể. Trong quý I/2015, tỷ giá vẫn ổn định ở mức 21.450 - 21.550 VND/USD. <em itemprop="author"> Giang - Bảo Ngọc (Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán VPBS)[/I]
Giang - Bảo Ngọc

Theo baodautu.vn