Cổ tức ngân hàng thời gian qua đã giảm xa so với trần tiết kiệm 5,5%, song không phải nhà băng nào cũng duy trì chính sách cổ tức với cổ đông. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) là một trong những nhà băng không thực hiện chính sách cổ tức cho cổ đông trong 2 năm qua, dù lợi nhuận vẫn đạt mức 400 tỷ đồng trước thuế năm 2013 và hơn 164 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của năm 2014.






Từ năm 2013, DongA Bank không còn khả năng chi trả cổ tức




Lý do được đưa ra là nợ xấu của MaritimeBank tăng mạnh trong thời gian qua đòi hỏi phải trích dự phòng lớn. Năm 2013, khoản dự phòng của MaritimeBank đã “ngốn” hết gần 400 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng, nên ngân hàng này quyết không chia cổ tức ở mức 7% như dự kiến.
Năm 2014, nợ xấu của MaritimeBank phần nào được khống chế, nhưng khoản dự phòng vẫn lên đến gần 900 tỷ đồng, cho dù tín dụng nhà băng này âm đến 14,2%. Vì thế, lợi nhuận trước thuế (sau dự phòng) chỉ ở mức 162 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với năm 2013, chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu năm 2014.
MaritimeBank không phải là trường hợp duy nhất “nói không” với cổ tức năm 2014. Tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), nếu như cổ tức dự chi cho những năm trước đều từ 12 đến 15%, thì kể từ năm 2013, khi lợi nhuận sa sút, DongA Bank không còn khả năng chi trả cổ tức, cho dù chỉ là mức 5%. Đến quý II/2014, DongA Bank lên kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 cho cổ đông. Thế nhưng, ngay sau thông báo trên, nhiều cổ đông đã phải ngậm ngùi khi DongA Bank hủy việc tạm ứng cổ tức.
Lý giải được đưa ra từ HĐQT DongA Bank là do tình hình hoạt động khó khăn và Ngân hàng xét thấy phải tập trung mọi nguồn lực để trích dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Năm 2014, nợ xấu của DongA Bank tăng đáng kể khi vượt ngưỡng an toàn 3% và phải bán một lượng lớn nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nên khoản dự phòng rủi ro không nhỏ.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), do nợ xấu năm 2014 tăng, chiếm 2,46% tổng dư nợ (tương đương 2.144 tỷ đồng), nên nguồn dự phòng trích lập tăng đáng kể gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận thu về chỉ còn 69 tỷ đồng trước thuế. Lợi nhuận thấp cũng đồng nghĩa với mức cổ tức của Eximbank năm 2014 là 0%. Dù vậy, với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế, HĐQT Eximbank dự kiến chi cổ tức cho cổ đông năm nay ở mức 4,8%.
Không chỉ nói không với cổ tức để dành mọi nguồn lực trích dự phòng rủi ro, chỉ tiêu cổ tức năm 2015 cũng là vấn đề “khó nói” trong các kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên lần này. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, đến nay, Ngân hàng vẫn chưa tạm ứng cổ tức 2014 và vẫn đang xem xét chính sách cổ tức 2015.
Trong khi đó, với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 1.215 tỷ đồng và chỉ tiêu đưa ra cho năm nay ở mức 1.314 tỷ đồng. Thế nhưng, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2015 vừa được công bố, ACB vẫn “bỏ ngỏ” chỉ tiêu cổ tức của năm 2015.
Bên cạnh các ngân hàng phớt lờ cổ tức của cô đông, cũng không ít ngân hàng muốn chia cổ tức 2014 ở mức cao. Song điều này cũng không dễ thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước đã áp “khung” cổ tức. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) dự chi cổ tức năm 2014 là 11%, nhưng phải điều chỉnh xuống 9% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Hay tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietpostBank), cổ tức 2014 chỉ chốt ở mức 6%, thay vì 8% như kế hoạch ban đầu. Còn theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), ông Nguyễn Văn Thắng, tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông năm nay chỉ cố gắng đạt khoảng 5%.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn