Đặc biệt, ở những ngân hàng vừa trải qua khủng hoảng, buộc phải tái cơ cấu, câu chuyện đi ở của các nhân sự chủ chốt càng thêm sôi động.






Nhân sự cấp cao của hàng loạt ngân hàng liên tục có sự biến động ngay từ trước mùa ĐHCĐ




Kẻ ở người đi…
Trên thực tế, nhân sự cấp cao ở một số nhà băng đã biến động trước mùa ĐHCĐ năm nay. Chẳng hạn, tại Nam A Bank, trước ĐHCĐ diễn ra vào ngày 17/4, ngân hàng này đã có sự điều chuyển nhân sự. Nguyên CEO Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc là ông Trần Ngọc Tâm thôi nhiệm để ứng cử vào chức vụ thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 20120. Hiện ông Vũ vẫn là thành viên HĐQT Nam A Bank, nhưng theo một số nguồn tin, rất có khả năng ông này sẽ rút khỏi chức vụ thành viên HĐQT Nam A Bank trong kỳ ĐHCĐ của nhà băng này diễn ra vào ngày 17/4 tới tại TP. HCM.
Sau khi ông Vũ thôi nhiệm vị trí CEO, ngày 9/4, Nam A Bank chính thức bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó tổng giám đốc thường trực lên nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng. Bà Tú có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và từng công tác lâu năm tại Sacombank, MHB rồi đến Ngân hàng Nam Á.
Không chỉ Nam A Bank, trong thời gian gần đây, OCB, VietABank cũng có thay đổi nhân sự khi một phó tổng giám đốc của OCB là ông Phạm Linh chuyển sang nắm vị trí Phó tổng giám đốc VietABank. Ngoài ra, VietABank cũng có thêm một phó tổng giám đốc mới từ Techcombank chuyển qua là ông Trịnh Minh Thảo - phụ trách khối khách hàng cá nhân. Trong khi đó, một nguyên phó tổng giám đốc của VietABank là ông Nguyễn Ngọc Minh Toàn chuyển sang công tác tại OCB với vị trí tương đương.
Đáng chú ý, ở những ngân hàng vừa trải qua cuộc “đại phẫu” tái cơ cấu, nhân sự các vị trí chủ chốt đều được thay đổi. Điển hình như VNCB sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng, nhân sự mới của nhà băng này, từ chủ tịch HĐQT đến thành viên ban điều hành đều là người của Vietcombank được điều chuyển qua nắm giữ theo chỉ đạo của NHNN.
Có thể thấy, làn sóng biến động nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã khá sôi động trong 2 năm trở lại đây, khi có nhiều nhà băng thực hiện M&A, đổi chủ và một số lãnh đạo cấp cao của các nhà băng vướng vào vòng lao lý. Chẳng hạn, tại OceanBank, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT bị bắt, bà Nguyễn Minh Thu ngồi vào ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng được bổ nhiệm, bà Thu cũng không tránh được tình trạng tương tự ông Thắm. Và ghế nóng của OCeanBank tiếp tục được chuyển tiếp cho người kế nhiệm là bà Đào Thị Thúy, nguyên thành viên HĐQT độc lập lên làm Chủ tịch của OceanBank. Thế nhưng, cũng chỉ sau vài tháng lên nắm quyền, bà Thúy đã thôi nhiệm và OceanBank tiếp tục thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, căn cứ Nghị quyết HĐQT OceanBank số 52/2015/NQ-HDQT nhiệm kỳ V, ngày 2/4/2015, bà Đào Thị Thúy thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT OceanBank kể từ ngày 3/4/2015. Căn cứ quyết định của NHNN, ông Đỗ Thanh Sơn được chỉ định là người đại diện OceanBank để xử lý các công việc liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Ông Sơn nguyên là Giám đốc Chi nhánh 11, Vietinbank TP. HCM. Vietinbank đang hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu OceanBank.
Biến động nhân sự tại OceanBank trong thời gian ngắn vừa qua khiến cổ phiếu của Ngân hàng và cả Tập đoàn Đại dương không tránh khỏi chao đảo. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp duy nhất mà trước đó, làn sóng biến động mạnh nhân sự đã xảy ra tại VNCB, ACB hay cả Sacombank, Eximbank… khi các nhà băng này liên tục thay chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Chẳng hạn, tại Sacombank, sau khi nhóm cổ đông lớn lên nắm quyền điều hành, cả chủ tịch, lẫn tổng giám đốc đều là người mới. Trong khi đó, những ngân hàng không thực hiện sáp nhập và không gặp khủng hoảng lớn như DongA Bank, Eximbank, 2 năm qua cũng không dưới 2 lần thay tổng giám đốc. Tại Eximbank, chỉ 7 tháng cuối năm 2013 đến đầu 2014 đã 3 lần thay tổng giám đốc và người đương nhiệm hiện nay là ông Phạm Hữu Phú. Và khả năng lớn là biến động nhân sự cao cấp tại các nhà băng này chưa dừng lại.
…vẫn còn tiếp diễn
Eximbank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 22/4/2015 và đây cũng là năm cuối nhiệm kỳ của HĐQT Eximbank nên thị trường cho rằng, khó tránh việc thay đổi nhân sự cấp cao tại ngân hàng này. Đặc biệt là khi thông tin Nam A Bank - Eximbank sáp nhập dần lộ diện do 2 nguyên lãnh đạo Nam A Bank đã ứng cử vào chức vụ thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại diện lãnh đạo Eximbank cho rằng, việc đó cũng cần được xem là chuyện bình thường như bao DN khác khi HĐQT hết nhiệm kỳ và bầu lại HĐQT mới. Thế nhưng, theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng sẽ có biến động nhân sự tại Eximbank trong kỳ ĐHCĐ năm nay, kể cả ghế “nóng”. Bởi trên thực tế, cổ đông nắm quyền chi phối mới của Eximbank đã lộ diện. Mặc dù tỷ lệ cổ phần nắm giữ của 2 thành viên HĐQT đến từ Nam A Bank chỉ được công bố ở mức trên 20%. Thế nhưng, theo các thông tin trên thị trường, nhóm cổ đông mới nắm giữ tỷ lệ cổ phần Eximbank cao hơn mức này. Có khả năng đến ngày ĐHCĐ diễn ra vào ngày 22/4, nhân sự ở các vị trí chủ chốt của nhà băng này vẫn được giữ nguyên do vẫn chưa có kết luận thanh tra Eximbank. Tuy nhiên, sau ĐHCĐ, việc HĐQT Eximbank sẽ bầu lại nhân sự, trong đó có cả vị trí Chủ tịch HĐQT là có thể nhìn thấy trước.
Còn với thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV, hay Saigonbank - Vietcombank; DongA Bank - ABBank, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cụ thể về nhân sự cũng như đề án sáp nhập. Thế nhưng, một khi việc sáp nhập được NHNN chính thức thông qua, tại các đơn vị này, biến động nhân sự là khó tránh. Mọi việc sẽ được hé mở tại kỳ ĐHCĐ lần này của các ngân hàng diễn ra từ nay đến cuối tháng 4/2015, hoặc tháng 5/2015 với trường hợp của DongA Bank.
Đáng chú ý hơn, mùa ĐHCĐ ngành ngân hàng năm nay được dự báo sẽ có nhiều tình tiết bất ngờ và nóng bỏng khi không chỉ ngân hàng nhỏ sáp nhập vào nhà băng lớn mà theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, chưa chắc đã loại trừ khả năng nhà băng nhỏ mua lại ngân hàng lớn.
Chủ trương của NHNN trong năm nay là đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất để đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu về mức 3% vào cuối năm. Vì thế, điểm nhấn đối với tái cấu trúc ngành là không chỉ sáp nhập tự nguyện mà có thể cả bắt buộc với những ngân hàng yếu kém. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến vừa có chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, đúng tiến độ phương án cơ cấu lại giai đoạn 2011 - 2015 đã được NHNN phê duyệt. Trong đó, tập trung hoàn thành trước tháng 6/2015 kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015 đã được NHNN phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng, để đảm bảo các tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động ổn định, bền vững. Vì thế, hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục sôi động kéo theo biến động mạnh về nhân sự trong ngành từ nay đến cuối năm 2015 là điều có thể nhìn thấy.
Thuỳ Vinh (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn