Chẳng hạn, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75 tại thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank (1 cổ phiếu SouthernBank được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank) khiến không ít cổ đông của Sacombank bức xúc, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, vì giá cổ phiếu của SouthernBank đang ở mức thấp (5.000-6.000 đồng/cổ phiếu).
Điều đáng nói là, HĐQT Sacombank chưa có tờ trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu theo phương thức 1:0,75 như HĐQT SouthernBank đã thông báo cho cổ đông tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 20/4 của nhà băng này.








Trước những bức xúc của cổ đông Sacombank, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT SouthernBank) cho rằng, việc sáp nhập SouthernBank trước mắt có thể chưa tốt cho Sacombank, nhưng cái được là Sacombank có thể kế thừa mạng lưới cùng 4.000 nhân viên đã được đào tạo của SouthernBank. Còn về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu, ông Bê cho rằng, sẽ đảm bảo quyền lợi cho cả cổ đông của SouthernBank và Sacombank.
Với tỷ lệ chuyển đổi 1:0,75, theo ông Trầm Bê, cổ đông của SouthernBank sẽ được lợi, vì Sacombank là một ngân hàng tốt, hoạt động hiệu quả và lợi nhuận thu về khả quan trong những năm qua. “Thị giá cổ phiếu STB của Sacombank dao động quanh mốc 17.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của SouthernBank giao dịch trên thị trường OTC hiện chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dù không nhận được cổ tức trong nhiều năm qua, nhưng khi sáp nhập vào Sacombank, cổ đông của SouthernBank không chỉ hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang cổ phiếu Sacombank giá cao hơn gấp 3 lần, mà còn được nhận cổ tức từ Sacombank”, ông Bê phân tích.
“SouthernBank là ngân hàng nhỏ, hoạt động không hiệu quả bằng Sacombank, nên tỷ lệ chuyển đổi 1:0,75 là hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi này chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chính thức, nên chưa thể thông báo cụ thể với cổ đông”, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank nói và cho biết, hiện cả 2 ngân hàng đã chuẩn bị xong thủ tục sáp nhập và đang chờ sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn tất trong năm nay.
Trong khi đó, thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV với tỷ lệ chuyển đổi 1:1 cũng được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, sẽ đảm bảo quyền lợi cho cổ đông của cả 2 bên. Song cổ đông BIDV cũng không hài lòng và đã bày tỏ với HĐQT BIDV trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên diễn ra mới đây tại TP.HCM. Các cổ đông BIDV lo ngại tỷ lệ 1:1 không đảm bảo quyền lợi cho họ, nhất là với cổ đông nhỏ, lẻ khi BIDV hoạt động hiệu quả và lợi nhuận cao hơn MHB.
Trước lo ngại trên của cổ đông, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, cả hai ngân hàng đều có vốn nhà nước, tức cùng chung một chủ, nên việc đưa ra tỷ lệ chuyển đổi cổ phần cũng đã tính toán để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhỏ, lẻ. Theo ông Hà, sáp nhập thêm MHB, BIDV sẽ có thêm 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch của MHB “BIDV đang tập trung vốn cho nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, các chi nhánh của MHB hiện chủ yếu nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng nông thôn”, ông Hà nói và cho biết, từ khi có thông tin sáp nhập đến nay, cổ phiếu của BIDV tăng liên tục, chứng tỏ thông tin sáp nhập MHB đang có lợi cho cổ phiếu của BIDV.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức thông qua đề án sáp nhập MekongBank vào MaritimeBank, với tỷ lệ chuyển đổi 1:1, nhưng nhìn chung, các thương vụ sáp nhập nói trên đều chung dáng dấp một chủ sở hữu. Vì thế, việc tính toán tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu sẽ do HĐQT, các cổ đông lớn quyết định. Cụ thể, MaritimeBank sở hữu trên 10% của MekongBank trước khi sáp nhập; SouthernBank - Sacombank cùng chung một chủ sở hữu là gia đình ông Trầm Bê và MHB - BIDV cùng có vốn của Nhà nước.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn