Không chờ “67”, ngân hàng vẫn bạo tay cho vay đóng tàu
Dọc những con đường vào xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Tại vùng quê này, nhiều hộ gia đình hộ gia đình đang là “cổ đông” của 4-5 con tàu tiền tỷ, đa số đều vay vốn Agribank.








Ông Hồ Công Đàm, Giám đốc Agribank Quỳnh Lưu cho biết, từ năm 2010 đến năm 2014, Agribank Quỳnh Lưu đã đầu tư cho 3.308 lượt ngư dân vay vốn để đóng tàu với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2014, trong số 113 tàu đóng mới của huyện thì có tới 96 tàu do Agribank đầu tư vốn, với tổng mức vay khoảng 200 tỷ đồng, bình quân mỗi tàu có công suất trên 400CV được đầu tư khoảng 1,5 – 3,5 tỷ đồng/tàu. Đáng nói, dù mạnh tay cho ngư dân vay vốn, song nợ xấu của Agribank Quỳnh Lưu rất thấp, nợ xấu năm 2014 chỉ 0,57%.
Theo ông Hồ Công Đàm, để giải ngân nhanh tín dụng đóng tàu, điều quan trọng nhất là thủ tục vay vốn phải nhanh gọn, thông thoáng, bởi ngư dân thường quan tâm đến thủ tục nhanh chóng, thuận lợi và hạn mức vay nhiều hơn là lãi suất. Bên cạnh đó, Agribank lựa chọn đầu tư vốn theo mô hình tổ, đội để giảm rủi ro.
“Nghề ngư nhiều rủi ro, không phải thuyền nào ra khơi cũng đánh được cá nên người dân phân tán rủi ro năng suất bằng cách tham gia góp cổ phần vào nhiều thuyền, dù họ có đủ điều kiện đóng riêng một thuyền. Việc góp cổ phần này cũng giúp ngân hàng có thêm tài sản để bảo đảm khoản vay ở từng thành viên trong tổ. Ngoài ra, quá trình được triển khai theo tiến độ đóng tàu, mỗi đợt giải ngân sẽ do 1 – 2 thành viên trong tổ thanh toán. Cách làm này khiến ngân hàng yên tâm giải ngân hơn, còn ngư dân cũng có trách nhiệm trả nợ hơn. Thực tế, cho vay ngư dân của Agribank tại Quỳnh Lưu, nợ xấu rất ít”, ông Đàm chia sẻ.
Chị Trần Thị Hồng, một hộ gia đình ở Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, gia đình chị đã nhiều lần vay vốn Agribank để đóng tàu và hiện đã có cổ phần tại 4 tàu. Hiện gia đình đã trả hết nợ và đang có ý định vay thêm vốn để đóng tàu. “Vào mùa khai thác thì ít khi lỗ lắm, lời là chính thôi”, chị Hồng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sĩ Lương - Giám đốc Phòng Giao dịch Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 5-7 ngày, vào mùa khai thác, mỗi thuyền thu về 600 triệu đến 1 tỷ đồng, trừ khoảng 70 -100 triệu đồng chi phí, phần còn lại được chia đều cho những lao động và chủ tàu. Chính vì vậy, có những hợp đồng vay vốn đóng tàu ký thời hạn 2 năm, nhưng chỉ sau vài ba tháng là ngư dân đã trả xong nợ.
Vốn 67: Ngân hàng băn khoăn, ngư dân ngần ngại
Ngày 24/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để sơ kết việc thực hiện Nghị định 67. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, cho đến nay, các ngân hàng thương mại mới ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 31 tàu trên cả nước, với tổng dư nợ 67 tỷ đồng. Đây là con số vô cùng khiêm tốn.
Phản ánh tại các địa phương cho thấy, có rất nhiều vướng mắc khi triển khai Nghị định 67, tiêu biểu là ngư dân không thích các mẫu tàu mà Bộ NN&PTNT đưa ra. Bên cạnh đó, ngư dân cũng mong muốn được sử dụng máy cũ thay vì phải mua máy mới. Một bất cập nữa là từ khi có Nghị định 67, giá đóng tàu đột nhiên tăng thêm 5-6 tỷ đồng, khiến chủ tàu hết sức hoang mang. Đây là lý do tại nhiều nơi, dù ngân hàng đã sẵn sàng cho vay, song ngư dân vẫn chần chừ.
“Chúng tôi đang thúc giục gia đình anh Nguyễn Văn Minh – chị Trần Thị Hồng ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng gia đình còn đang băn khoăn vì chưa chọn được mẫu tàu, chưa biết giá đóng tàu mới bao nhiêu và có được sử dụng máy cũ hay không”, ông Hồ Sỹ Lương cho biết.
Trước những vướng mắc hiện nay của việc cho vay theo Nghị định 67, ông Phan Đức Tiến – Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An khẳng định: “Phía Agribank thì nhận thức sâu sắc rằng đây là chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn nên không thể đứng ngoài cuộc. Có chăng là chậm trễ do vướng phải thủ tục, cơ chế, mô hình tổ chức chứ Agribank thì không nề hà gì cả”.
Dù vậy, ông Tiến cũng cho rằng, vốn 67 vẫn là vốn vay thương mại, lấy nguồn từ huy động trong dân, nên việc cho vay cũng phải tính đến an toàn vốn, rút kinh nghiệm từ thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây.. “Tôi còn nhớ, hồi đó (từ 1995) Agribank Nghệ An giải ngân 67 tỷ đồng và sau này khi chương trình thất bại thì có 53 tỷ đồng tiền nợ khó đòi. Đó là bài học mà những người làm tín dụng không thể nào quên được” – ông Tiến nhớ lại.

Hà Tâm

Theo baodautu.vn