Chuyển tiền cho chiến trường ác liệt
Cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam đã được nhiều nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế hết lòng ủng hộ bằng nhiều hình thức, trong đó có các loại ngoại tệ. Tuy nhiên, trong chiến tranh ác liệt, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến (hối đoái) và phân phối tiền để mua lương thực, vũ khí, thuốc men... cho chiến trường miền Nam.
Thời điểm ấy, Ban Ngân khố tín dụng R (C32) là một bộ phận của Ban Kinh Tài Trung ương Cục Miền Nam, do đồng chí Trần Dương, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trực tiếp lãnh đạo. Tập thể C32 gồm những chiến sỹ thầm lặng hoạt động trong điều kiện bí mật, nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn, nhưng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và liêm khiết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.






Ông Nguyễn Thành, Nguyên, một cán bộ của C32




Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, C32 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, hối đoái ngoại tệ, bảo quản, giữ gìn tuyệt đối an toàn hàng trăm triệu USD, cung cấp kịp thời cho tiền tuyến. Chỉ với số người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc lậu, quá trình vận chuyển thô sơ hàng trăm triệu đô la bạn bè quốc tế viện trợ đã vượt qua bom đạn, sự kiểm soát gắt gao của địch để đến các chiến trường ác liệt nhất ở miền Nam.
Đặc biệt, trong thời kỳ không thể chuyển tiền bằng phương pháp chuyển khoản (FM), thì sự đóng góp của C32 làm hối đoái bằng phương thức tiền mặt (AM) thật sự không phải nhỏ. Ông Nguyễn Thành Nguyên, một trong những thành viên của C32 cho biết, dù có điều kiện tiếp xúc dễ dàng với tiền, nhưng không đồng chí nào tham ô, tham nhũng tiền của cách mạng. Anh em hoạt động gần địch nhưng không theo địch, rất hiểu địch nhưng không khinh địch, biết cách đối phó với địch rất hiệu quả.
“Sau bao lần phân tán tiền ra để tránh địch tấn công, thì tiền anh em mang về nộp lại luôn luôn nguyên vẹn, không mất một đồng. Tuy làm nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt khó khăn, chiến tranh ác liệt, giữa sống và chết, họ sẵn sàng chọn cái chết để bảo toàn tài sản của cách mạng”, ông Nguyên nhớ lại.






Ông Phạm Văn Hài, cựu cán bộ Ban Quân quản K3




Tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ
Một cựu chiến sỹ C32 nhớ lại, sáng 30/4/1975, khi nhận được tin Dương Văn Minh đã chính thức tuyên bố đầu hàng, tất cả các xe đều mở hết tốc lực tiến thẳng về Sài Gòn. Về đến Ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình, TP.HCM) thì khoảng 5 giờ chiều. Đến lúc đặt chân đến Trường Kỹ thuật Cao Thắng (nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP.HCM) để họp tổng kết chuyến hành quân thì lương thực mang theo đều thiu hỏng, cả đoàn đành nhịn đói chờ sáng hôm sau bắt đầu tiếp quản hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Hài, một cán bộ Ban Quân quản ngành ngân hàng (ký hiệu là K3), ngay tối 30/4/1975, Ban đã phát lệnh triệu tập toàn thể công chức, viên chức cũ thuộc hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn đến trụ sở Ngân hàng Quốc gia để nghe chủ trương mới vào sáng 1/5/1975.
Theo lệnh triệu tập, gần 11.000 cán bộ, nhân viên thuộc 22 ngân hàng trong nước và 14 ngân hàng nước ngoài đã đến trình diện tại trụ sở Ngân hàng Quốc Gia. Sau khi nghe Trưởng đoàn tiếp quản Lữ Minh Châu đọc lệnh và công bố quyền điều hành của Ban Quân quản K3, các bộ phận trong đơn vị quân quản lập tức tiếp cận các ngân hàng khu vực miền Nam tiến hành khóa sổ kho quỹ, tiếp nhận hồ sơ nhân sự, sổ sách tài liệu.
Chứng kiến thời khắc ông Châu đọc tờ lệnh trên, không ít người tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, bởi trước đó, trong giới tài chính - ngân hàng trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, ông Ba Châu đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Văn Thảo. Không ai có thể ngờ rằng, chính người Thư ký Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Tín Dụng vẫn thường xuất hiện ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn giờ đây lại được cử làm Trưởng ban Tiếp quản các ngân hàng ở khu vực Sài Gòn.
Thực tế, trước đó 5 năm, ông Ba Châu đã được giao thực hiện một kế hoạch vô cùng mạo hiểm. Đó là bí mật trà trộn vào giới tài chính ở Sài Gòn để âm thầm nắm rõ hệ thống ngân hàng và xây dựng cơ sở mật, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển tiền từ miền Bắc vào Nam.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Hài, lúc đó Ban Quân quản K3 chỉ có 3 trung đội, trong đó chỉ có 1 trung đội là cán bộ ngân hàng có nghiệp vụ. Vì thế, nếu không tận dụng được đội ngũ cán bộ cũ của các ngân hàng tại Sài Gòn, thì không thể tiếp quản hết hệ thống gần 400 chi nhánh ngân hàng với rất nhiều hồ sơ, tài liệu và tiền bạc.
Chính nhờ sử dụng lại đội ngũ nhân lực của các ngân hàng cũ, chỉ một tuần sau ngày giải phóng, tất cả các ngân hàng trên địa bàn Sài Gòn đã hoạt động trở lại bình thường theo đường lối và nề nếp mới. Hầu hết các hồ sơ, tài liệu đều không bị mất mát. Các quyền lợi, nghĩa vụ theo hợp đồng đều được Ban Quân quản K3 kế thừa tiếp nhận.
Vì thế, không chỉ các ngân hàng trong nước, mà cả các ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn thời điểm đó đều khá hài lòng và hợp tác chặt chẽ với Ban Quân quản K3. Có được điều này là nhờ sự mưu trí và tài dân vận của đội ngũ cán bộ chiến sỹ ngân hàng trong suốt thời kỳ tiếp quản.
Gần một tháng sau ngày Giải phóng, nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm của nhân dân và tiền gửi thanh toán của các tổ chức bắt đầu thúc bách Chính phủ Cách mạng Lâm thời phải thành lập một ngân hàng mới. Trong bối cảnh đó, ngày 6/6/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra Nghị định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và bổ nhiệm ông Trần Dương làm Thống đốc.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn