Nhọc nhằn gieo mầm nơi vùng cao
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Hà Giang chia sẻ, anh em cán bộ ngân hàng vẫn nói vui với nhau rằng, 3 "phẩm chất" cần có của người cán bộ tín dụng vùng cao là “biết uống rượu, hiểu tiếng dân tộc sau mới tới hiểu nghiệp vụ”. Điều này đã phần nào nói lên những khó khăn của cán bộ tín dụng đang ngày ngày bám trụ nơi vùng cao biên giới phía Bắc, nơi mà công việc của họ đòi hỏi phải thực sự hòa nhập được với những tập tục sinh hoạt của bà con.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang cho biết, mặc dù Nghị định 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã có từ lâu, nhưng một trong những điểm gây bức xúc nhất cho cả ngân hàng và những người thụ hưởng chính sách của NĐ 41 là phân biệt thành thị với nông thôn theo địa giới hành chính.
Đơn cử, Hà Giang là địa bàn có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp nông thôn, các đối tượng ở khu vực thành thị, thị trấn làm nông nghiệp rất nhiều nhưng lại không thuộc diện được hưởng chính sách tín dụng theo NĐ 41.






Bà con huyện Bắc Quang (Hà Giang) thu hoạch cam sành (Ảnh: ST)




Một điểm nữa dẫn tới nguồn vốn chưa được khơi thông tại khu vực nông thôn là mặc dù nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay huyện nghèo của Agribank là rất lớn, nhưng những hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn ở các xã, huyện vùng sâu của Hà Giang lại là đối tượng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách.
Bên cạnh đó, địa lý hành chính cũng là rào cản trong việc khơi thông nguồn vốn tại những địa bàn vùng sâu, bởi một cán bộ tín dụng mỗi ngày chỉ có thể tiếp cận được từ 2-3 hộ dân.
Trong chuyến công tác lên Hà Giang gần đây nhất, chúng tôi đã vượt chừng 160km đường núi giữa một bên là núi đá, một bên là vực thẳm với vô số cua tay áo để tới nhà Sùng Mí Mua. Gia đình anh Sùng Mí Mua được xem là một điển hình về làm giàu ở vùng cao.
Với số vốn vay 40 triệu từ Agribank chi nhánh Đồng Văn, Sùng Mí Mua đã đầu tư 2 con bò. Hiện, Sùng Mí Mua đã có tổng cộng 7 con. Đàn bò này nếu tính về giá trị vào khoảng gần 200 triệu đồng. Vừa qua, anh Mua vừa bán 1 con bê con trị giá 15 triệu đồng. Hiện, Sùng Mí Mua đã trở thành hộ gia đình điển hình vươn lên làm giàu. Căn nhà Sùng Mí Mua ở được xem là khang trang nhất thôn Mo Pải Phìn, xã Sủng Là.
Tuy nhiên, là người bám trụ hàng chục năm ở vùng cao, ông Nguyễn Kiên, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Văn vẫn luôn trăn trở về việc chưa nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu được như gia đình anh Sùng Mí Mua.
Vững tin vào thị phần nông nghiệp
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn là thị phần cho vay nhiều nhất của Agribank tại Hà Giang.
Tính đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế đạt 2.612,5 tỷ đồng, tăng gần 239 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt trên 2.400 tỷ đồng với gần 30.000 khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở dưới mức 2% trên tổng dư nợ. Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 2.300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 94,4%.
Ông Hải cho biết, nông nghiệp ở vùng thấp của Hà Giang được đánh giá là rất có tiềm năng với cây cam tại huyện Bắc Quang và cây chanh leo đang được trồng thử nghiệm tại huyện Vị Xuyên.
Theo ông Trương Đức Hào, Giám đốc chi nhánh Agribank Bắc Quang, nhiều hộ nông dân đã làm giàu được từ cây cam. Hiện, Agribank Bắc Quang đã cho 2.000 hộ trồng cam được vay, có hộ được vay tới 500-700 triệu đồng.
Đây là những hộ gia đình có cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra, có ký hợp đồng hợp tác và liên kết với nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào và nhà phân phối đầu ra sản phẩm.
Năm 2012, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVI, kỳ họp thứ 5 đã ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ- HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất khi các hộ dân vay vốn. Tuy nhiên, nghị quyết này khống chế số đầu con/đàn như bò từ 50 con trở lên, lợn từ 35 con trở lên. Song theo ghi nhận từ Agribank, những hộ gia đình có quy mô lớn như vậy hầu như không có nhu cầu vay vốn.
Để giúp các hộ dân tận dụng được chính sách này, Agribank Hà Giang đã có cách làm sáng tạo, giúp các hộ vay vốn theo tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích.
Tại thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường, TP. Hà Giang, chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Triển. Gia đình anh Triển đã tham gia vào Tổ chăn nuôi theo mô hình áp dụng tự nuôi lợn nái. Tổ của anh có 12 hộ nuôi lợn nái, mỗi gia đình có tầm 6-7 con lợn.
Anh Triển cho biết: “Chúng tôi đang vay vốn từ Agribank Hà Giang với số vốn ban đầu mỗi gia đình khoảng 100 triệu. Số tiền này đủ để đầu tư chăn nuôi với lãi suất 7%/năm, trong khi đó, theo chính sách ưu đãi của nghị định 47, hiện chúng tôi chỉ phải trả lãi khoảng 3,5%/năm. Có chương trình vay vốn hỗ trợ chăn nuôi, các hộ gia đình chúng tôi dự tính mỗi lứa lợn tối thiểu 6 tháng, mỗi hộ cũng để được khoảng 20 triệu.”
Tương tự, tại thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường, TP. Hà Giang, tháng 6/2014, anh Sầm Trí Thanh bắt đầu vay Agribank 80 triệu mua 4 con bò lai sin theo tổ hợp nuôi bò. Tổ của anh có 7 gia đình. Anh Thanh dự tính, cuối năm nay những con bò đầu tiên sẽ phối được giống. Mặc dù tầm 3 năm nữa những con bò này mới thu được lợi nhuận, nhưng anh Thanh rất kỳ vọng vào dự án này, bởi sau khi trả cả vốn và lãi, anh sẽ có một số con bò để nuôi.
“Tổ chúng tôi đang thử nghiệm nuôi bò, nếu thành công, dự định tôi sẽ tiếp tục vay vốn nhân rộng đàn bò và mở rộng mô hình này tới những bà con nông dân khác để giúp họ thoát nghèo”, anh Thanh nói.
Có những hộ gia đình nếu nhìn vào nhà thì sẽ không dám cho vay, điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm, Vị Xuyên. Xuất phát điểm của gia đình chỉ có vài con lợn và một căn nhà nhỏ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Agribank Vị Xuyên, Ngân hàng đã cho vay với số vốn 20 triệu ban đầu hỗ trợ gia đình. Đến nay, số vốn vay đã tăng lên 300 triệu. Gia đình anh Toàn hiện đã có 30 lợn lái, mỗi năm cho 700-800 con lợn thịt, trừ chi phí mỗi năm gia đình lãi 200-300 triệu.
Lĩnh vực cho vay nông nghiệp đang minh chứng hiệu quả trên thực tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội và khơi gợi nhiều tiềm năng khi Hà Giang đang được xem là địa điểm còn nhiều tiềm năng về du lịch và dược liệu.
Ông Hải cho biết, Agribank Hà Giang đang tiếp cận những doanh nghiệp sẽ đầu tư dược liệu tại Hà Giang, bởi những doanh nghiệp này sẽ rất cần nguồn vốn lưu động. Dược liệu cũng là kế hoạch đa mục tiêu của Hà Giang giúp tỉnh bảo tồn được đặc sản, phát triển kinh tế - xã hội và thu hút được khách du lịch lên Hà Giang.
Ông Hải cũng cho biết thêm, với phương châm “Đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, trong năm 2015, Agribank Hà Giang đang tập trung ưu tiên vốn cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các chương trình phát triển trọng điểm như cây đậu tương, cây dược liệu, cam sành và phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh, đặc biệt là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Không ngừng khơi thông, tăng cường vốn để chủ động trong đầu tư tín dụng, đóng góp vào “dòng chảy” vốn đầu tư cho sự nghiệp phát triển của các thành phần kinh tế, nhằm xây dựng nền nông nghiệp Hà Giang phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Hải Hà

Theo baodautu.vn