Trong đó, tác động bên ngoài là USD tiếp tục tăng giá. “Chỉ số USD trong 4 tháng vừa qua vẫn tăng khoảng 5% còn nếu so riêng với đồng EUR thì USD trong 4 tháng qua tăng khoảng 5,8%”, TS. Lực cho biết.






TS Cấn Văn Lực



Tác động trong nước là cầu gần đây có tăng lên, dù cơ bản, quan hệ cung cầu tổng thể vẫn đảm bảo. Nguyên nhân tăng cầu đầu tiên là thâm hụt thương mại 4 tháng đầu năm hơn 3 tỷ USD. Nguyên nhân thứ hai là Vietcombank quyết định mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ. Thứ ba là một số ngân hàng chốt trạng thái âm ngoại tệ. Bên cạnh đó, tuy chưa có kết luận cuối cùng, song chuyện Chính phủ cân nhắc dùng quỹ dự trữ ngoại hối để cho vay đối với ngân sách cũng tạo áp lực với tỷ giá.
Dù cầu có tăng lên, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cung USD vẫn đang “rất ổn” nhờ vốn FDI đạt khoảng 4,2 tỷ USD cộng với các nguồn cung khác như du lịch, vốn ODA, kiều hối... Về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn thặng dư.
Về mức độ điều chỉnh tỷ giá 1%, theo TS.Cấn Văn Lực là khá mạnh tay song vẫn nằm trong định hướng chung của NHNN năm nay là 2%.
Tuy nhiên, do đã sử dụng hết room điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ phải đứng trước nhiều sức ép từ nay đến cuối năm.
“Về sức ép này, tôi cũng đã từng chia sẻ rằng câu chuyện điều hành tỷ giá năm nay sẽ phức tạp hơn, không hề dễ dàng. Tất nhiên, việc điều chỉnh nữa hay không sẽ do thị trường quyết định, chúng ta không thể “phán” trước”. Đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu, giá USD khó dự đoán trước. Biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra đầu năm là trong bối cảnh cũ, khi USD và giá dầu chưa có nhiều biến động. Việc định hướng này có tác dụng rất tốt cho các DN trong lập kế hoạch kinh doanh cũng như giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều hành cần phải có sự linh hoạt để bám sát thị trường”, chuyên gia này nói.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn