Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa tổ chức công bố báo cáo Triển vọng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mùa xuân 2015. Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra cho biết: “Năm 2016, chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm nay, ở khoảng 5,8% vì giá dầu năm 2016 có khả năng sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, lãi suất trên thị trường thế giới cũng sẽ tăng cao hơn năm 2016”.

Mặc dù vậy, đại diện IMF cũng khuyến cáo Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề nợ công, nhất là nợ nước ngoài, hiện đang ở mức cao. Một trong những khuyến cáo mà báo cáo của IMF đưa ra là những nước có tỷ lệ nợ công cao, trong đó có Việt Nam, cần hạn chế chi tiêu và hạn chế vay nợ nước ngoài.






Ông Sanjay Kalra, Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam




Báo cáo của IMF cũng nhận xét, năm 2014, Việt Nam thặng dư tài khoản vãng lai dù ngân sách thâm hụt. Tuy nhiên, theo so sánh của IMF, so sánh với các nền kinh tế tương đương Việt Nam, dự trữ ngoại hối của nước ta là nhỏ nhất.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đề nghị IMF bình luận về giải pháp hạn chế vay nợ nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đang xem xét, đó là vay quỹ dự trữ ngoại hối. Từ chối đánh giá sâu về vấn đề này do không có những dữ liệu cần thiết, song ông Sanjay Kalra cho rằng, đây không phải là giải pháp hay.
“Việc vay từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để giải quyết thâm hụt ngân sách không phải là ý hay. Bản thân chữ “dự trữ” đã nói lên điều đó. Ở những nước giàu, có quỹ dự trữ ngoại hối lớn, nếu thấy để lượng tiền lớn dự trữ là lãng phí, họ có thể thành lập Quỹ đầu tư dự trữ ngoại hối quốc gia. Song Quỹ đầu tư này phải hoạt động rất chuyên nghiệp, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có lợi nhất và an toàn nhất. Và tôi nhấn mạnh, việc này chỉ diễn ra ở một số quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn và họ cũng chỉ lấy một phần nhỏ để đầu tư. Tại Việt Nam, quỹ dự trữ ngoại hối không nhiều nên không thể lập quỹ để đầu tư”, ông Sanjay Kalra nói.
Liên quan đến việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN thời gian gần đây, đại diện của NHNN không bình luận cụ thể, song cho rằng, các nước cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt. Càng có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt thì càng tránh được các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, cũng cần cân đối, vì nếu để tỷ giá thay đổi quá linh hoạt, lên xuống trong thời gian ngắn, sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính. Với các nước vay nợ nhiều, việc tỷ giá thay đổi nhiều cũng gây khó khăn. Do đó, nước nào có quyết định phá giá đồng tiền của mình cũng cần thận trọng, vì một mặt có lợi khi xuất khẩu, nhưng mặt khác có thể gây bất ổn với thị trường tài chính.
Nhận định chung về kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm nay, ông Sanjay Kalra nhận xét, thứ nhất, đây vẫn là đầu tàu về tốc độ tăng trưởng so với khu vực khác. Tuy nhiên, các nước trong khu vực này có mức độ tăng trưởng không đồng đều. Thứ hai, đây là nền kinh tế năng động nhưng tiềm ẩn một số rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là lạm phát. Ngoài ra, một số nền kinh tế có nguy cơ bị tăng tổn thương, nhất là những quốc gia vay nợ nước ngoài lớn. Thứ ba, các chính sách, tài khóa của các nước trong khu vực nhìn chung là phù hợp.
Trong báo cáo của mình, IMF cũng tỏ ra lạc quan về một số nền kinh tế như Ấn Độ, Nhật Bản, 10 nước ASEAN. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng toàn khu vực dự kiến sẽ giữ mức ổn định 5,6% trong năm nay và giảm nhẹ xuống còn 5,5 vào năm 2016.

Thùy Liên

Theo baodautu.vn