Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Đồng thời, mới đây, Vietcombank đã mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 - 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, với lãi suất 4,8%/năm, bằng mức lãi suất trái phiếu quốc tế mà Việt Nam phát hành cuối 2014.
Về việc Chính phủ vay ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhà nước, đã có nhiều chuyên gia đưa ra nhận định cho rằng, điều này mặc dù có thể giúp ngân sách tiết kiệm chi phí vay vốn so với vay thương mại, nhưng sẽ có tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối và khả năng điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.








Về việc chính phủ vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại trong nước, theo Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), có lợi cho cả bên đi vay và cho vay. Đối với ngân sách nhà nước, vay từ ngân hàng thương mại trong nước sẽ không ảnh hưởng đến hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia trong năm, không gây sức ép lên nợ nước ngoài của quốc gia theo Luật Quản lý nợ công, giảm bớt chi phí trung gian và lãi suất thấp hơn so với đi vay trên thị trường quốc tế.
Đối với các ngân hàng thương mại, việc mua trái phiếu chính phủ bằng USD đem lại nguồn lợi lớn từ chênh lệch lãi suất đáng kể, với rủi ro thấp hơn hẳn so với cho vay bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ được NHNN bật đèn xanh, đã tăng mạnh thời gian qua. Hiện nay, khi trần huy động lãi suất ngoại tệ trong nước đã giảm xuống chỉ còn 0,25%/năm (tổ chức kinh tế) và 1,25%/năm (cá nhân). Do vậy, trái phiếu chính phủ bằng USD lần này ước tính đem lại biên lãi suất ròng ít nhất 3,55%/năm, là một mức sinh lợi cao với rủi ro rất thấp.
Tuy vậy, theo VPBS, việc chính phủ vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại trong nước có thể có tác động đến cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối, tùy thuộc vào nguồn ngoại tệ của ngân hàng thương mại.
Nguồn ngoại tệ của Vietcombank trong giao dịch này có từ 2 nguồn tài sản nợ và vốn chủ sở hữu. Ngoại tệ từ tài sản nợ có được từ các quan hệ huy động vốn và vay mượn từ trong và ngoài nước. Ngoại tệ từ vốn chủ sở hữu có được từ các giao dịch mua bán ngoại tệ, còn được gọi là trạng thái ngoại tệ, là phần chênh lệch giữa tài sản có và tài sản nợ bằng ngoại tệ của ngân hàng. Trạng thái ngoại tệ dương và âm của ngân hàng thương mại, được chế tài theo Thông tư 07/2012/TT-NHNN, không được vượt quá 20% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Nếu Vietcombank không gia tăng vay nợ hoặc tăng mua ngoại tệ từ thị trường, khi ngân hàng này mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng, khoản mục tài sản có bằng ngoại tệ sẽ có sự dịch chuyển từ các loại tài sản khác (tiền mặt, tiền gửi liên ngân hàng, tiền gửi và giấy tờ có giá tại nước ngoài, tín dụng ngoại tệ trong nước…) thành trái phiếu chính phủ. Trong trường hợp tiền gửi và các tài sản tài chính khác của Vietcombank tại nước ngoài được rút về để mua trái phiếu, nó sẽ có tác động làm tăng cán cân vốn và tài chính ròng.
Nếu Vietcombank gia tăng vay nợ từ nước ngoài để tài trợ cho giao dịch này, cán cân vốn và tài chính ròng cũng gia tăng. Tuy nhiên, nợ nước ngoài chuyển dịch từ chính phủ là người vay, sang thành ngân hàng thương mại là người vay, tác động làm tăng tổng nợ nước ngoài của quốc gia là giống nhau.
Trong cả hai trường hợp nói trên, do khoản tiền vay mới hoặc rút về từ nước ngoài này không được bán cho Ngân hàng Nhà nước, hoặc gửi tại Ngân hàng Nhà nước, nên khoản mục Lỗi và sai sót ròng cũng sẽ giảm tương ứng và sẽ không có thay đổi tại cán cân tổng thể.
Hàng năm, lượng ngoại tệ vào Việt Nam qua các giao dịch vãng lai và các giao dịch vốn và tài chính được ghi nhận rất lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được các ngân hàng thương mại mua và bán cho Ngân hàng Nhà nước, hoặc gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Phần chênh lệch, thường ở mức rất cao trong các năm qua, được ghi nhận trong khoản mục Lỗi và sai sót ròng, có thể được chuyển lậu ra nước ngoài, hoặc nằm lại trong dân cư. Do vậy, gia tăng tài sản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng từ người cư trú, dù qua quan hệ tiền gửi hay mua bán đều rất tốt vì đã đưa thêm ngoại tệ từ nền kinh tế ngầm vào hệ thống ngân hàng. Điểm bất cập duy nhất là ở chỗ, khoản ngoại tệ mua thêm, lẽ ra đã được bán cho Ngân hàng Nhà nước, thì nay, được giữ lại bên ngoài dự trữ ngoại hối. Và sẽ có rủi ro chênh lệch kỳ hạn của các khoản tiền gửi tại Vietcombank (thường là ngắn hạn) và trái phiếu chính phủ lần này (5 năm và 10 năm). Khi số tiền gửi ngoại tệ giảm, Vietcombank có thể buộc phải tăng mua USD trên thị trường tự do, gây áp lực tăng tỷ giá.
(*): Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank
Nguyễn Thị Thùy Linh *

Theo baodautu.vn