Dự kiến cuối tháng 5, công tác bàn giao MHB về BIDV sẽ được hoàn tất



Thúc M&A để giảm sở hữu chéo
Nhiều thương vụ M&A đã lộ diện trong mùa ĐHCĐ năm nay và các ngân hàng cũng bắt đầu xúc tiến việc sáp nhập, hợp nhất. Thương vụ sáp nhập Mekongbank (MDB) vào MaritimeBank đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua trong quý I/2015. Ngân hàng Maritime Bank sau khi sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (gồm 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ của Maritime Bank và 3.750 tỷ đồng của MDB), tổng tài sản 113.000 tỷ đồng.
Việc MDB sáp nhập vào Maritime Bank không gây nhiều ngạc nhiên bởi hai ngân hàng này có chung chủ sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là trên 10%. Vì thế, sau khi sáp nhập, cặp đôi này sẽ góp phần giảm bớt sở hữu chéo trong hệ thống, phù hợp với chủ trương của NHNN.
Sau ĐHCĐ vào đầu tháng 4/2015, thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào BIDV cũng chính thức được NHNN thông qua trong ngày 25/4, theo đó sẽ thực hiện sáp nhập MHB vào BIDV và phát hành cổ phiếu tăng vốn hoán đổi theo tỷ lệ 1:1.
Kể từ ngày 10/5, BIDV đã cử cán bộ thực hiện công tác giám sát, rà soát, chuẩn bị các nội dung để thực hiện tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống MHB về BIDV. Dự kiến ngày 22/5/2015, toàn bộ công tác bàn giao MHB về BIDV sẽ được hoàn tất. MHB chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục chấp dứt pháp nhân, đăng ký bố cáo chấm dứt hoạt động theo qui định. Đồng thời BIDV hoàn tất giao dịch hoán đổi cổ phần cho các cổ đông MHB thành cổ đông BIDV, hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập.
Trên cơ sở báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, ngày 25/5/2015, BIDV cùng MHB sẽ thực hiện việc ký biên bản bàn giao, sáp nhập chính thức cấp hệ thống; ngân hàng sau sáp nhập chính thức mang tên gọi là BIDV, vốn điều lệ là 31.512 tỷ đồng (trong đó BIDV 28.112 tỷ đồng, MHB 3.400 tỷ đồng). Mạng lưới hoạt động cũng được tăng lên 171 chi nhánh, 787 phòng giao dịch. Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập là hơn 695.000 tỷ đồng, trong đó phần của MHB là 45.313 tỷ đồng, BIDV 655.000 tỷ đồng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, 2 ngân hàng đều có vốn nhà nước nắm quyền chi phối nên việc về chung một nhà không có gì quá phức tạp.
Chỉ còn vài ngày nữa, thương vụ sáp nhập giữa VietinBank và PGBank cũng sẽ chính thức được ký kết. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam Vietinbank có vốn điều lệ 38.000 tỷ đồng, sáp nhập thêm PGBank sẽ giúp tăng thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy mức tăng được xem là không lớn, nhưng lãnh đạo Vietinbank lại nhìn thấy không ít lợi ích khác từ việc sáp nhập này.
Thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank cũng đang chờ được NHNN thông qua chính thức. Vì đây là 2 ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu khi gia đình ông Trầm Bê đang nắm giữ hơn 20% cổ phần của SouthernBank và trên 6% cổ phần tại Sacombank nên cái được lớn nhất trong thương vụ này là sẽ xóa tình trạng sở hữu chéo.
Sau 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã giảm dần. Đồng thời, với quy định của Thông tư 36/TT-NHNN được áp dụng từ đầu tháng 2 năm nay, các ngân hàng có 1 năm để thoái vốn đầu tư vào các TCTD khác xuống mức theo quy định của Thông tư này.
Thông tư 36/2014/TT-NHNN cũng “siết” sở hữu chéo theo lộ trình áp dụng là tiền đề cho việc loại bỏ sở hữu chéo, lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng. Chính vì vậy, một số ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu đã có ý định về với nhau. Đơn cử như Vietcombank đang sở hữu trên 10% vốn của Saigonbank và đang có định sáp nhập thêm nhà băng này. Tuy nhiên, HĐQT Saigonbank bước đầu còn có do dự nên chưa trình cổ đông kế hoạch này.<strong style="line-height: 1.4em;"> [/B]
Sẽ tiếp tục nóng vào cuối năm
Thống đốc NHNN cho biết, trong năm nay sẽ có khoảng 5 - 6 thương vụ M&A được xem xét thông qua. Báo cáo Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến cuối năm 2014, chỉ còn 3 cặp NHTM cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đến nay, hệ thống đã giảm 14 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng TCTD đã giảm đi 7 tổ chức.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chủ trương của NHNN định hướng trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành là hết sức quan trọng và phù hợp, kể cả việc M&A giữa các ngân hàng lớn với nhau. Do đó, M&A trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động trong giai đoạn cuối tái cấu trúc ngành. Mục tiêu của NHNN là giảm xuống còn 20 ngân hàng trong toàn hệ thống và riêng năm nay, có khoảng 6 - 7 thương vụ sáp nhập.
Hiện tại, thị trường chờ đợi các thương vụ M&A trong thời gian tới và theo nhận định của một lãnh đạo cấp cao trong ngành, sẽ có thêm những thương vụ M&A khá bất ngờ.
Trong đó, thương vụ được thị trường chờ đợi nhiều nhất là Eximbank – Nam A Bank. Hiện thông tin giữa 2 bên vẫn chưa được lãnh đạo các nhà băng này tiết lộ, nhưng trong danh sách ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015- 2020 đã có 2 gương mặt đến từ Nam A Bank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Eximbank trên 20%.
ĐHCĐ Eximbank đã bị hoãn và hiện chưa có lịch cụ thể. Tuy nhiên, trên thị trường đang xuất hiện những luồng thông tin cho rằng, Nam A Bank sẽ chủ động trong việc sáp nhập này, nhất là khi tình hình hoạt động của Eximbank năm qua có phần sa sút. Tuy vậy, điều này chưa phải là quyết định cuối cùng mà quan trọng tỷ lệ cổ phần nắm giữa.
Saigonbank-Vietcombank hay DongA Bank sáp nhập ABBank cũng là các thương vụ M&A được nhiều người nhắc tới. Đến thời điểm này, DongA Bank vẫn chưa ấn định ngày tổ chức ĐHCĐ, còn Saigonbank vẫn chưa trình cổ đông việc sáp nhập.
Động thái của NHNN trong chủ trương tái cấu trúc ngành năm nay đã quyết liệt, mạnh mẽ hơn, khi nhấn mạnh đến vấn đề không chỉ sáp nhập tự nguyện mà còn tính đến cả chuyện can thiệp bắt buộc để lành mạnh hệ thống.
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, hoạt động thị trường tiền tệ năm 2015 ổn định hơn so với 2014. Riêng đối với ngành ngân hàng sẽ có một số TCTD phải sáp nhập, trong đó các ngân hàng lớn phải là trụ cột sáp nhập thêm một số ngân hàng khác và theo TS Kiêm, điều này phù hợp để hình thành các ngân hàng lớn.
Mặt khác, muốn đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu như kỳ vọng 3% cuối năm nay, việc buộc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào nhà băng lớn cũng nhằm giãn nợ xấu. TS Trần Du Lịch cho rằng, cần đẩy mạnh M&A ngân hàng mới đạt được kỳ vọng mục tiêu kiểm soát nợ xấu 3% vào cuối năm nay.
Thuỳ Vinh (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn