Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, 44 chi nhánh MHB đã hoàn thành các thủ tục và ký kết biên bản bàn giao sáp nhập BIDV trước sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền, NHNN các tỉnh, thành phố nơi trú đóng của các chi nhánh.








Đến hết ngày 22/5, thương hiệu MHB đã chính thức chấm dứt hoạt động. Đáng chú ý, chỉ trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật (23-24/5/2015), BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Đồng thời, từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây, nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
Sau sáp nhập, BIDV sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực với tổng tài sản tăng lên trên 700.000 tỷ đồng; vốn điều lệ lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động gần 24.000 cán bộ, nhân viên. Nguyên tắc xuyên suốt trong giao dịch sáp nhập MHB vào BIDV là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động của 2 ngân hàng. Việc sáp nhập được thực hiện theo phương thức bàn giao nguyên trạng, đầy đủ toàn bộ hoạt động MHB và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1.
Có thể nói, đây là một trong những thương vụ M&A được tiến hành nhanh nhất kể từ đề án tái cơ cấu ngành được triển khai. Chỉ sau hơn 3 tháng thông tin sáp nhập được hé lộ, cả 2 bên ngân hàng đã tiến hành xúc tiến đề án sáp nhập và được NHNN thông qua.
Một thương vụ sáp nhập khác cũng có tiến độ nhanh không thua kém đó chính là PG Bank sáp nhập vào VietinBank. Ngày 22/5, thỏa thuận sáp nhập PG Bank vào VietinBank đã được ký kết. Theo đó, giao dịch sáp nhập PG Bank vào VietinBank có thể được xem như một trong những giao dịch điển hình của quá trình triển khai Đề án 254 của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thể hiện quyết tâm cao của VietinBank trong việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, NHNN nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; khẳng định vai trò là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương đúng đắn của Chính phủ và NHNN Việt Nam để ổn định và phát triển kinh tế, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong khi đó, thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank dù được NHNN chấp thuận hơn 1 năm, nhưng hiện vẫn đang chờ chuẩn y từ NHNN.
Cùng với thời điểm được thông qua chủ trương sáp nhập với cặp SouthernBank - Sacombank, thương vụ MekongBank - MaritimeBank đã được NHNN thông qua đầu quý II/2015, với tỷ lệ chuyển đổi 1:1.
Hôm nay, 28/5, MaritimeBank sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên. MaritimeBank sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng, tổng tài sản 113.000 tỷ đồng. Việc MekongBank sáp nhập vào MaritimeBank không gây ngạc nhiên, bởi hai ngân hàng này có chung sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn của MekongBank với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là trên 10%. Vì thế, sáp nhập, cặp đôi này sẽ góp phần giảm bớt sở hữu chéo trong hệ thống, phù hợp với chủ trương NHNN trong tái cơ cấu.
Các cặp đôi được đồn đoán sáp nhập là SouthernBank - Sacombank; Saigonbank - Vietcombank và DongA Bank - ABBank cũng đang được thị trường ngóng đợi.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn