NHNN vừa ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 15.7. Theo văn bản này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông và nhóm cổ đông lập kế hoạch khắc phục tình trạng sở hữu vượt trần, thời gian chậm nhất cuối năm nay (31/12/2015) phải đưa tỷ lệ sở hữu về mức cho phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Cổ đông, nhóm cổ đông phải kê khai rõ về thông tin cổ phần đang sở hữu vượt mức cho phép và phải đưa ra biện pháp khắc phục.






Ngân hàng Nhà nước quyết khắc phục tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần vượt trần tại các nhà băng




Nếu hết năm 2015 mà các cổ đông, nhóm cổ đông và tổ chức tín dụng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần, NHNN sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt. Cụ thể, không chấp thuận các cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu vượt trần trong danh sách dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát và Tổng Giám đốc. Đồng thời, cũng không chấp nhận đề cử những cổ đông sở hữu vượt trần vào các chức danh trên. Như vậy có nghĩa, nếu không nhanh chóng giảm tỷ lệ sở cổ phần sở hữu vượt trần, một loạt ông chủ ngân hàng sẽ có nguy cơ mất chức vào năm 2016.
Theo quy định của Luật các TCTD, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa là 5% đối với cá nhân và 15% đối với tổ chức, 20% đối với tổ chức và các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện còn nhiều cá nhân và tổ chức có tỷ lệ cổ phần sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, như EVN nắm 16% cổ phần ABBANK, PVN nắm 52% cổ phần PvcomBank, MSN nắm 19,57% Techcombank. Hoặc bà Thái Hương sở hữu trên 5% cổ phần Bac A Bank, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu hơn 20% SouthernBank…
Theo đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu, văn bản trên của NHNN cũng yêu cầu, từ 15/7, ngân hàng không được phép cho vay hoặc cho vay mới (nếu đã cho vay) với các cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu vượt trần.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn