Trước khi SouthernBank tiến hành ĐHĐCĐ bất thường, Sacombank cũng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong ngày 11/7 để thông qua đề áp sáp nhập SouthernBank.
Trước đó, tại phiên họp ngày 16/04/2014, ĐHĐCĐ Southern Bank đã thông qua chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Đồng thời, uỷ quyền HĐQT được toàn quyền quyết định tất cả vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này, như quyết định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, đặt tên ngân hàng sau sáp nhập... Theo đó, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu trong thương vụ sáp nhập này là 1:0,75 (tức 1 cổ phiếu SouthernBank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank) và tên ngân hàng sau sáp nhập chính là Sacombank.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ nêu trên, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 được tổ chức ngày 20/04/2015, HĐQT Southern Bank đã báo cáo tình hình thực hiện công tác sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Southern Bank đã phối hợp cùng với Sacombank xây dựng Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank và các tài liệu có liên quan. HĐQT Southern Bank cho rằng, đề án sáp nhập được dựa trên cơ sở tự nguyện giữa SouthernBank - Sacombank, dựa trên nguyên tắc khách quan, minh bạch.
Dự kiến trong quý III/2015, việc sáp nhập sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc. Các thủ tục khác cũng được hoàn thiện trong quý này. Sang quý IV/2015, Sacombank sau sáp nhập sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu STB, đồng thời thực hiện sắp xếp lại mạng lưới hoạt động.
Như vậy, sau các thương hiệu Habubank, Ficombank, TinNghiaBank, DaiABank, MekongBank, MHBank không còn tồn tại trên thị trường khi đã hoàn tất sáp nhập lần lượt vào SHB, SCB, HDBank, BIDV, thì sắp tới đây sẽ có thêm SouthernBank cũng không tồn tại do sáp nhập vào Sacombank và kế đến là PGBank sẽ sáp nhập vào VietinBank.
Vân Linh

Theo baodautu.vn