Tại thông báo chính thức được GPBank phát đi chiều qua về kết quả Đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 02/7/2015, ngân hàng này khẳng định: "Do không thông qua được nội dung Chương trình họp vì không đủ số lượng phiếu đồng ý theo quy định nên Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 3 của GPBank đã kết thúc mà không thông qua được phương án tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước".
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra "tối hậu thư" cho ngân hàng này, buộc phải hoàn thành bổ sung vốn điều lệ chậm nhất vào ngày 4/7, nếu không sẽ bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Theo báo cáo kiểm toán năm 2014, ngân hàng này đang bị âm vốn điều lệ lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.
Tuy hạn chót tăng vốn đã qua, GPBank cũng đã thừa nhận không thông qua được phương án tăng vốn điều lệ, song đến thời điểm này, Ngân hàng nhà nước vẫn chưa có thông báo nào về số phận của GPBank. Khả năng ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng như OceanBank và VNCB là rất lớn. Đây được xem là giải pháp tốt nhất đối với GPBank lúc này, khi mà các ngân hàng được quốc hữu hóa đều dần hoạt động vổn định.
GPBank có tiền thân là NHTMCP Nông Thôn Ninh Bình, gồm 5 phòng giao dịch và kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Ninh Bình với vốn điều lệ 5 tỉ đồng. Năm 2005, NH này chuyển đổi thành NHTMCP đô thị hoạt động tại Hà Nội với tên gọi là NHTMCP Toàn Cầu. Năm 2006, ngân hàng có cổ đông chiến lược là Tập đoàn Petro Việt Nam (PVN) và chính thức đổi tên thành GPBank vào năm 2007, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng. Năm 2009 tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng, năm 2010 chính thức tăng vốn lên đạt mục tiêu 3.000 tỉ đồng theo yêu cầu của NHNN.
Từ năm 2010 đến nay, GPBank không hé lộ bất kỳ thông tin nào về tình hình hoạt động của ngân hàng này. Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, PVN đã hoàn thành thoái vốn khỏi GPBank, chuyển nhượng phần vốn góp của GPBank cho CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI). Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng không có thông tin gì thêm về việc PVFI còn nắm giữ hay đã thoái vốn.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện nhóm nhà đầu tư có liên quan đến hai ông Tạ Bá Long và Đoàn Văn An sở hữu phần lớn cổ phiếu của GPBank. Các pháp nhân nắm giữ khoảng 27% cổ phần ngân hàng. Có hai tổ chức nắm giữ trên 5% cổ phần bao gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT và công ty chứng khoán của một ngân hàng TMCP quốc doanh.
GPBank là ngân hàng yếu kém cuối cùng trong 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc đợt 1. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua mà ngân hàng này chưa tìm được phương án cứu mình trong khi nhiều ngân hàng khác đã tái cơ cấu thành công.



Theo baodautu.vn