Từ tăng lãi gửi, hạ lãi vay tới “tái tài trợ”
Tình trạng cạnh tranh giữa các ngân hàng đang diễn ra hết sức khốc liệt. Ngoài chiêu bài quen thuộc là sử dụng công cụ lãi suất, khuyến mãi, nhiều ngân hàng còn tung ra sản phẩm mua khoản vay của khách hàng ở ngân hàng khác, chuyển về ngân hàng mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lớn cho hay, khách hàng A (chuyên chế biến xuất khẩu lúa gạo) tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn là khách hàng quen thuộc của ngân hàng này. Thế nhưng, đùng một cái, khách hàng A bỗng dưng chuyển sang giao dịch với Ngân hàng BIDV, dù trước đó, mối quan hệ giữa hai bên rất tốt. Nguyên nhân là bởi sau khi sáp nhập MHB, BIDV đẩy mạnh hoạt động ở các tỉnh ĐBSCL với rất nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn.








Thực tế tại các địa phương cũng cho thấy, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng diễn ra vô cùng quyết liệt. Đơn cử, tại Nghệ An, có tới 37 tổ chức tín dụng cạnh tranh lẫn nhau. Có khi trong cùng một thị trấn nhỏ, nhưng có tới 34 ngân hàng hiện diện.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP quốc doanh lớn tại Nghệ An thừa nhận, ngân hàng này đã mất một số khách hàng vào tay đối thủ, kể cả khách hàng gửi tiết kiệm lẫn khách hàng vay vốn.
“Ngân hàng TMCP B. tuyên bố với khách hàng rằng, lãi suất huy động của chúng tôi bao nhiêu, thì lãi suất huy động của ngân hàng họ sẽ luôn ở mức đó cộng thêm 0,5%/năm. Còn một ngân hàng TMCP quốc doanh V. khác lại cam kết với khách vay, dù ngân hàng chúng tôi áp dụng lãi vay ở mức nào, thì ngân hàng họ luôn cho vay thấp hơn 0,5%/năm, miễn một số loại phí và không cần thẩm định lại hồ sơ, nếu khách hàng đã qua “cửa” thẩm định của ngân hàng chúng tôi. Điều này khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong giữ khách hàng”, vị giám đốc trên nói.
Ngoài các “chiêu” quen thuộc trên, để giành khách hàng của đối thủ, thời gian gần đây, một số ngân hàng còn tung ra sản phẩm “tái tài trợ”. Hiểu một cách nôm na là Ngân hàng A sẽ tài trợ toàn bộ tiền để cho khách hàng tất toán khoản nợ với Ngân hàng B để khách hàng chuyển khoản vay sang Ngân hàng A. Với sản phẩm này, ngân hàng có lợi là có thêm dư nợ và có thêm khách hàng tốt, còn khách hàng thì được lợi vì hai lần được hưởng lãi suất ưu đãi thời gian đầu (với một hợp đồng vay vốn, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu, thường là 3-12 tháng đầu).
Ngân hàng tự đẩy mình vào thế khó?
Theo phân tích của giới ngân hàng, trong giai đoạn nhu cầu của thị trường còn yếu như hiện nay, cách tốt nhất để tăng trưởng tín dụng là “vợt” khách hàng, mua dư nợ của ngân hàng khác, nhất là các khoản vay tiêu dùng có lãi suất cao.
Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng không dễ dâng cao lãi suất huy động để cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc hạ lãi vay để “kéo” khách hàng cũng không phải là giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng. Vì vậy, cạnh tranh bằng lãi suất không phải là vấn đề đáng lo.
Điều đáng lo nhất, theo giới ngân hàng, là việc ngân hàng mua khách hàng, mua dư nợ lẫn nhau. Điều này vừa gây xáo trộn thị trường, vừa không mang lại bất kỳ lợi lộc nào cho nền kinh tế. Bởi sản phẩm tái tài trợ chỉ là cách chuyển dư nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, chứ không có dòng vốn tăng thêm cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bình luận: “Việc ngân hàng cạnh tranh bằng lãi suất huy động và cho vay là chuyện bình thường nếu việc chênh lệch ở mức độ cho phép. Ở nhiều nước phát triển, các ngân hàng nhỏ cũng thường có mức lãi suất huy động cao hơn ngân hàng lớn để cạnh tranh. Tuy nhiên, hình thức cho vay kiểu tái tài trợ hầu như không có và không có lợi cho thị trường”.
Một trong những nhược điểm nữa của sản phẩm cho vay tái tài trợ là rủi ro lớn cho ngân hàng.
Thứ nhất, trong quá trình giải ngân, ngân hàng buộc phải chấp nhận bỏ tiền ra để giúp khách hàng tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ, trong khi chưa cầm được các giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo của khách hàng.
Thứ hai, dù ít xảy ra, song không phải là không có, đó là “bẫy” đẩy nợ. Trên thực tế, có những khách hàng dù đã dính vào nợ quá hạn, nhưng nhờ được cơ cấu lại, nên vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Dù vậy, khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này vẫn rất khó, nếu nhân viên tín dụng “ôm” phải đối tượng này, thì cũng chẳng khác nào “ôm bom”.
Cho đến nay, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam vẫn chủ yếu thu về từ tín dụng, đây cũng là cội nguồn của rất nhiều giải pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh để giành giật khách vay.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn