Thưa ông, đề xuất vay NHNN 30.000 tỷ đồng của Bộ Tài chính có bất thường không? Nếu NHNN cho vay thì sẽ lấy từ nguồn nào?
Trước hết, phải nói rằng, việc Bộ Tài chính vay NHNN là được quy định pháp luật cho phép và là giao dịch bình thường ở nhiều nước, không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ nên coi NHNN là “phao cứu sinh” cuối cùng, không nên hình thành tiền lệ là mỗi lần ngân sách khó khăn lại vay NHNN, trong khi NHNN là nơi in tiền, nếu kiểm soát không tốt sẽ rất nguy hiểm.
Về nguồn tiền vay, số tiền này có thể được NHNN lấy từ các nguồn khác như quỹ dự phòng tài chính, quỹ điều hành chính sách tiền tệ, phát hành tín phiếu… hoặc in thêm tiền. Tuy nhiên, hàng năm, lượng tiền in ra bao nhiêu được tính toán chặt chẽ, dựa trên các yếu tố về lạm phát, lượng vàng, ngoại tệ dự trữ cân đối. Nếu in thêm tiền để cho vay, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn đến lạm phát, nguy cơ gia tăng bất ổn vĩ mô.






TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế\r




Còn các quỹ khác của NHNN như Quỹ Điều hành chính sách tiền, Quỹ Dự phòng tài chính… đều là các loại quỹ tối quan trọng, dùng để can thiệp và điều hành chính sách trong các trường hợp rủi ro. Vừa qua, NHNN phải liên tiếp mua lại các ngân hàng, bơm tiền vào để tái cơ cấu. Như vậy, nếu NHNN cho vay từ nguồn này cũng phải cân nhắc thận trọng về mức cho vay bao nhiêu.
Một nguồn khác nữa là NHNN có thể tăng lượng tín phiếu phát hành, bán cho các tổ chức tín dụng và Bộ Tài chính vay từ nguồn đó.
Tại sao Bộ Tài chính không phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn mà lại vay trực tiếp từ NHNN?
Bộ Tài chính không phát hành trái phiếu chính phủ như thường lệ vì từ đầu năm đến nay, các phiên phát hành trái phiếu đều không thành công như mong đợi. Nguyên nhân là lãi suất trái phiếu chưa đủ hấp dẫn khách hàng.
Nếu NHNN cho ngân sách vay 30.000 tỷ đồng, chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Tác động sẽ không lớn, bởi 30.000 tỷ đồng chỉ chiếm chưa đầy 1% cung tiền hiện tại của nền kinh tế. Tuy vậy, nếu in tiền để ngân sách đảo nợ và chi thường xuyên mà không được sử dụng để tạo ra những sản phẩm, hàng hóa có giá trị tương đương với lượng tiền thì sẽ làm gia tăng lạm phát.
Vì thế, Bộ Tài chính cần minh bạch mục đích vay, việc sử dụng số tiền đó như thế nào, xác định nguồn đâu để hoàn trả, bao giờ trả. NHNN cũng cần công bố công khai nguồn vốn cho vay lấy từ đâu, lãi suất, điều kiện vay ra sao, thời hạn và phương thức trả nợ như thế nào?
Theo ông, việc Bộ Tài chính phải “cầu cứu” NHNN để có tiền cho ngân sách vay có phải là lời cảnh báo đáng lo về tình trạng nợ công của Việt Nam?
Ngân sách khó khăn, phải vay NHNN chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy tình trạng nợ công của Việt Nam đã ở ngưỡng cảnh báo. Vấn đề đáng lo hơn là không biết việc giải quyết vấn đề nợ công những năm tới sẽ như thế nào.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn