TS. Nguyễn Trí Hiếu



Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong khi tình hình thị trường ngoại hối trên thế giới đang biến động như vậy, giá USD tự do tiếp tục tăng cao… nếu NHNN không điều chỉnh tỷ giá sẽ gây thiệt hại tương đối lớn.
Trước hết, NHNN phải dùng lượng ngoại hối rất lớn để bán ra can thiệp ổn định thị trường. Với lượng dự trữ ngoại hối chỉ ở mức vừa phải, nếu NHNN cứ tiếp tục bán ngoại tệ, tới một lúc nào đó có thể rơi vào tình trạng mất thanh khoản về ngoại tệ. Nhất là với tình hình thế giới từ nay đến cuối năm không biết sẽ còn biến động thế nào. Nên NHNN bắt buộc phải điều chỉnh để chặn đà bán USD, bảo vệ dự trữ ngoại hối.
Việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN cũng phần nào giúp cơ quan này chủ động ứng phó với những bất ngờ có thể xảy ra với chính sách đồng CNY của Trung Quốc. Khi nước này đang có ý định nhảy vào rổ tiền tệ mạnh của thế giới, mà muốn làm được điều đó đồng tiền phải thả nổi, còn nếu cố định theo chính sách kiểm soát ngoại hối không bao giờ đồng CNY có thể lọt vào trong đó.
Vì thế, chúng ta cần phải có chính sách lường đón để hạn chế tác động từ việc NHTW Trung Quốc thả nổi đồng CNY. Một lần nữa tôi nhấn mạnh, động thái điều chỉnh tỷ giá thêm 1% của NHNN là rất hợp lý, linh hoạt.
Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá trên có tác động đến niềm tin của thị trường?
Tôi cho rằng, có lẽ mọi người hiểu rằng, những điều xảy ra vượt tầm kiểm soát của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng. Nếu đồng CNY không bị phá giá mạnh như vậy, thì tôi chắc chắn NHNN giữ được cam kết của mình đưa ra từ đầu năm. Có lẽ vì thế mọi thành phần kinh tế cũng hiểu cho những quyết sách của NHNN.
Trong cuộc sống cũng vậy không thể lúc nào cũng chủ động hoàn toàn trong ứng xử và quan trọng nữa là một nền kinh tế thị trường phải tuân theo quy luật thị trường. Còn nếu muốn không tuân theo thì cần biện pháp bảo vệ, điều đó đồng nghĩa Việt Nam phải có dự trữ ngoại tệ lớn. Theo tôi, nếu muốn can thiệp thị trường một cách mạnh mẽ và bảo vệ giá trị đồng VND, dự trữ ngoại hối của Việt Nam phải có ít nhất 100 tỷ USD.
Mức điều chỉnh trên đã tạo dư địa đủ lớn để NHNN điều hành tỷ giá trong thời gian tới, thưa ông?
Tuy dư địa điều hành NHNN tạo ra là tương đối nhưng theo tôi, áp lực tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Áp lực đó đến từ thị trường ngoại hối trên thế giới. Dường như nhiều quốc gia lao vào phá giá đồng nội tệ của họ. Nếu mình không điều chỉnh thì giá đồng VND cao so với các đồng ngoại tệ khác, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Áp lực thứ hai nữa là khả năng Fed có thể điều chỉnh lãi suất.
Còn một áp lực về lâu dài rất lớn cho đồng VND mà tôi muốn lưu ý đó là nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh thì trong tương lai rất nhiều DN sẽ gặp khó khăn khi đi vào hội nhập quốc tế. Vì sản phẩm của nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam với giá thấp.
Như trường hợp đùi gà Mỹ vào Việt Nam trong thời gian qua, giá còn thấp hơn gà nội rất nhiều. Và hiện tại nhiều DN chăn nuôi ở Đông Nam bộ gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ gà. Với đồng VND chưa thể nói đến vấn đề thả nổi vì nó liên quan đến an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô. Thế nhưng, chúng ta cũng nên có một lộ trình đối với vấn đề này.
Trước biến động thị trường, theo ông NHNN nên có cách điều hành tỷ giá như thế nào?
Rõ ràng, những biến động trên thị trường thế giới ngày càng lớn, với tần suất nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta không thể bình chân như vại, hay cứng nhắc trong điều hành được. Vì vậy, nếu muốn đi theo nền kinh tế thị trường, bắt buộc chúng ta phải linh hoạt hơn và đi đúng theo quy luật của nó. Có thể nói, thời gian qua, NHNN đã có những cách thức điều hành khá uyển chuyển, linh hoạt để đối phó ngày một tốt hơn với biến động thị trường.
Xin cảm ông!
Nguyễn Vũ (thoibaonganhang.vn)

Theo baodautu.vn