Thông tin từ FED và diễn biến điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại tỷ giá đồng Việt Nam khó có thể giữ được ổn định từ nay tới cuối năm. Quan điểm của ông?
Tại thời điểm này, nhiều dự báo là đồng nhân dân tệ sẽ không giảm tiếp, hoặc không giảm mạnh tiếp. Nhiều dự báo FED cũng sẽ điều chỉnh lãi suất chậm hơn, có thể vào quý IV và có thể chỉ ở mức 25 điểm phần trăm. Thông tin cụ thể phải chờ thông báo mới của FED trong tuần tới.
Khả năng có thêm cú sốc mới là không cao nên việc ổn định được tỷ giá theo thông điệp của Ngân hàng Nhà nước từ nay tới cuối năm, có thể trong cả đầu năm 2016 là cao.
Nhưng dù sao, nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị để có được sự chủ đông. Vì dù sao, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, những cú số là các biến không kiểm soát được.
Vậy phương án xấu nhất là gì?
Là các chỉ số thực tế vượt trên các dự báo trên. Khi đó, sẽ phải có điều chỉnh về tỷ giá. Cùng với đó là phối hợp thực hiện nhiều công cụ khác là lãi suất, ngân sách, trong trường hợp đặc biệt có thể tính tới việc giám sát các dòng vốn, như năm 2008.
Nhưng với các thông tin hiện tại, tôi vẫn cho rằng, khả năng này thấp.
Nói về dài hạn, Việt Nam vẫn cần tính tới phương án tỷ giá linh hoạt hơn, thưa ông?
Về dài hạn, có hai vấn đề cần phải làm rõ. Một là tỷ giá của Việt Nam cần linh hoạt hơn, chưa phải thả nổi. Điều này sẽ tốt vì sẽ đỡ được các cú sốc tốt hơn.
Tỷ giá linh hoạt cũng sẽ tạo dư địa tốt để tạo dư địa cho ngân hàng nhà nước kiểm soát cung tiền tốt hơn. Độ linh hoạt sẽ tác động đến kinh tế thực, đảm bảo khả năng cạnh tranh về mặt giá của của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng cũng phải khẳng định, nếu trong điều kiện không có cú sốc lớn, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, thì việc linh hoạt tỷ giá sẽ được thực hiện dần dần theo lộ trình một cách thuận lợi hơn.
Tình hình sẽ có khó khăn nếu có cú sốc. Vì khi đó, cú sốc tài chính sẽ tác động đến các vấn đề vĩ mô (như lạm phát, ngân sách, nợ công) thị trường tài chính, lãi suất, dịch chuyển dòng vốn (tiền đồng, USD)...và tác động đến đến kinh tế thực (hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư...).
Theo ông, chúng ta nên ứng xử với phương án có thể có cú sốc thế nào?
Cách điều hành tỷ giá rất quan trọng. Chúng ta phải tính đến cả 3 chiều cạnh tác động trên vì chúng có tương tác với nhau.
Một là, tác động đến thị trường tài chính có thể tác động đến quyết định đầu tư, khi đó sẽ tác động đến vòng sau của tỷ giá, từ đó tác động đến xuất nhập khẩu, đến dòng vốn ra vào của Việt Nam.
Hai là tác động đến hệ thống tài chính ngân hàng. Nếu hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động không bình thường thì làm sao kinh tế thực hoạt động bình thường được.
Vừa qua, báo chí chỉ nhắc tới tác động đến nền kinh tế thực, là xuất nhập khẩu và đầu tư, khi phân tích điều hành tỷ giá, trong khi chưa tính chưa đầy đủ đến các yếu tố khác về vĩ mô, lạm phát, ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, đặc biệt là thị trường tài chính.
Dù vào thời điểm này, khả năng có cú sốc không cao nhưng ta phải tính đến các kịch bản để nếu có cú sốc, sẽ giảm thiểu được những tác động tiêu cực.
Về phía các doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Doanh nghiệp cần có cái nhìn đầy dủ về các chiều cạnh trên. Họ cũng cần thấy rõ ràng thông điệp của Ngân hàng nhà nước với các dữ liệu, số liệu đầy đủ, minh bạch để có được lòng tin. Khi có lòng tin, hành vi của thị trường sẽ rất khác.
Cũng thừa nhận là trong điều hành tỷ giá, cần tính tới yếu tố doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có khả năng phỏng chống rủi ro tỷ giá rất yếu. Nếu linh hoạt tỷ giá sẽ gắn với việc dự đoán khó, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, vi mô cũng phải nâng cao nhận thức.
Hai là việc điều hành tỷ giá dù sẽ phải linh hoạt hơn nhưng vẫn phải tính tương quan giữa đồng USD và VND dể đảm bảo giữ tiền đồng không quá kém hấp dẫn, tránh dịch chuyển sang USD.
Khánh Linh

Theo baodautu.vn