Đường cong lãi suất nhích lên
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ở một số ngân hàng nếu cộng cả chính sách khuyến mãi đã lên tới 5,5%/năm so với mức 5,1-5,2%/năm trước đó. Lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng được nâng lên khoảng 7,3%/năm, thay vì dưới 7%/năm như trước đó.
“Chúng tôi đã công phu tính toán 6 năm trời để ra đường cong lãi suất chuẩn và thấy rằng, đường cong này đang có xu hướng đi lên. Dự đoán, từ tháng 10 trở đi, đường cong mới này sẽ rõ ràng hơn, dù mức tăng chỉ rất nhẹ nhưng đáng lo là sẽ lập mặt bằng lãi suất mới”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, tiền tệ cảnh báo.






Đã có nhiều ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian qua




Ý kiến của TS. Nghĩa bị nhiều chuyên gia kinh tế khác phản bác và cho rằng, các yếu tố tác động tăng lãi suất rất ít. Song thực tế cho thấy, đã có nhiều ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua. Dĩ nhiên, việc lãi suất có tăng thành xu hướng chung của thị trường hay không vẫn còn phải đợi, vì các ngân hàng tăng lãi suất đều có thị phần nhỏ, chưa đủ sức để tạo xu hướng cho toàn thị trường. Khối ngân hàng lớn và vừa vẫn đang “nhìn nhau”. Tuy vậy, thực tế trên cũng cho thấy, lãi suất đang là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần “cảnh giác”.
Đứng về phía ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, lãi suất tăng không có lợi cho ngân hàng, song giảm cũng rất khó. Vì vậy, lãi suất thời điểm này sẽ cơ bản đứng yên. “Nếu nói tăng lãi suất huy động để huy động vốn thì không cần thiết, vì huy động vốn dân cư vào ngân hàng vẫn bình thường. Hơn nữa, nếu giảm hơn nữa lãi suất đầu vào thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì hiện nay NIM (chênh lệch lãi suất huy động - cho vay) của ngân hàng chỉ ở mức huề vốn là 2,5- 2,7%. Tuy nhiên, để giảm thêm lãi suất là rất khó”, TS. Lực nói.
Trái phiếu chính phủ gây sức ép
Về lý thuyết, khi ngân hàng trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó, tỷ giá tăng chỉ khiến lãi suất giảm. Nhưng ở Việt Nam, cùng với nới lỏng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước lại bán ra ngoại tệ, thu hút tiền đồng (nhằm giảm căng thẳng tỷ giá).
Tuy nhiên, tỷ giá chỉ tác động rất nhỏ đến lãi suất, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất hiện nay là trái phiếu chính phủ (TPCP). Việc TPCP phát hành quá nhiều với lãi suất cao (5%/năm) và rủi ro bằng 0 đã khiến ngân hàng lao vào TPCP, nguồn tiền thêm hạn hẹp. “TPCP nhìn vào ngân hàng, doanh nghiệp và người dân cũng nhìn vào ngân hàng, đây là lý do Việt Nam có nền tảng lãi suất tiền gửi cao”, TS. Nghĩa nói.
Bên cạnh TPCP được phát hành lớn, nhiều chuyên gia cho rằng, vốn ngân hàng đang phải gánh quá nhiều chương trình tín dụng mà lẽ ra ngân sách phải gánh như gói vay nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, cho vay đóng tàu vỏ sắt, chi phí xử lý nợ xấu… Chính điều này đã đẩy giá vốn ngân hàng cao lên.
“Chúng tôi luôn kêu gọi có sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, không phát hành TPCP lớn. Tất nhiên, không nên cấm phát hành TPCP, mà nên định hướng qua công cụ lãi suất. Với lãi suất và mức TPCP phát hành hiện nay, rõ ràng ngân hàng muốn giảm lãi suất trung, dài hạn cũng không giảm được”, TS. Lực cho hay.
Trong khi đó, TS. Nghĩa cảnh báo, nếu không cẩn thận, lãi suất huy động sẽ tăng lên. Tuy mức tăng rất nhẹ, nhưng sẽ gây lo âu cho doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, tỷ giá sẽ nguội đi, song vấn đề đáng quan tâm giai đoạn tới chính là lãi suất”, TS. Nghĩa nói.
Thuỳ Liên

Theo baodautu.vn