Tại một hội thảo về tín dụng đen tổ chức chiều qua (7/9), hơn chục nạn nhân đã tìm đến để kêu cứu. Hầu như tất cả nạn nhân này đều rơi vào chung một "bẫy" giống nhau: được người quen môi giới vay vốn với lãi suất tương đương với lãi suất ngân hàng, buộc phải ký khống nhiều loại giấy tờ và phải giao sổ đỏ, thậm chí cả chứng minh thư và hộ khẩu để "làm tin". Tuy nhiên, sau một thời gian, khi ngân hàng xuống siết nợ, đòi phát mãi nhà, người dân mới biết tài sản của mình đã bị đối tượng tín dụng đen sang tên hoặc mang đi cầm cố ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Lệ, tổ 36 Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm cho hay, được một người quen tên là Lan giới thiệu, bà đồng ý vay 150 triệu đồng của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Nam Phong (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Hải Yến làm Chủ tịch HĐQT. Tin lời Lan, bà Lệ ký khống hàng lọat giấy tờ mà không biết đó là giấy tờ gì, đồng thời giao cho bà Yến chứng minh thư, sổ đỏ và sổ hộ khẩu. Thế nhưng, sau khi giao cho bà Lệ 80 triệu đồng, bà Yến cầm giấy tờ bỏ trốn. Mãi khi xã hội đen và cả cán bộ ngân hàng xuống xem nhà để thu hồi nợ, bà Lệ mới biết nhà của mình đã bị bà Yến mang đi thế chấp ngân hàng để vay 2 tỷ đồng.






.



Tương tự, ông Vũ Duy Hà (SN 1959, trú tại Nghi Tàm- Hà Nội) cho hay, năm 2012, một người quen tên Sơn cũng thuyết phục vợ chồng ông bà vay 200 triệu đồng để sửa nhà, cho thuê kinh doanh với lãi suất chỉ 1,2%/tháng, chỉ tương đương lãi suất ngân hàng thời điểm đó. Khi ông Hà đồng ý, ông Sơn liền dẫn ông Hà đến gặp bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH phần mềm CFA. Cũng như bà Lệ, do tin tưởng người quen, ông Hà cũng ký hàng loạt giấy tờ và đưa sổ đỏ cho bà Nhung giữ. Song 10 tháng sau, khi cán bộ ngân hàng VIB xuống "hỏi thăm", ông mới biết ngôi nhà của mình đã được sang tên cho bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, và người này đã mang sổ đỏ đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng cách đây 9 tháng. Sau khi phát hiện sự việc, ông Hà đã báo công an và phía công an đã gọi bà Nhung lên đối chất, bà Nhung cũng cam kết sẽ trả lại giấy tờ và sang lại tên cho ông Hà, song đến nay, ông Hà vẫn chưa biết có đòi lại được nhà hay không.
Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng 5, Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, trung bình mỗi ngày, cả nước có 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen. Trong trong 5 năm qua, nước ta có hơn 6.000 vụ việc liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 41 vụ giết người, 588 vụ cướp tài sản, hơn 300 vụ cố ý gây thương tích, hơn 1.000 vụ cưỡng đoạt tài sản…
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giam đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, đa số người đi vay mắc bẫy tín dụng đen không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ, không để ý đến hậu quả.
Trong khi đó, Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội cho biết, trong rất nhiều trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay tín dụng đen, vì vậy, khi đưa ra toà xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.
Ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cũng cho biết, quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của họ. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn