Hoạt động cho vay tín chấp hiện chỉ được thực hiện với món vay nhỏ lẻ, như cho vay tiêu dùng, tín dụng sinh viên, cho vay người nghèo… Vì sao các dự án lớn không thể vay tín chấp?
Nhiều doanh nghiệp trong hồ sơ đề nghị vay vốn thì nói đầu tư vào dự án này, phương án kinh doanh kia và dự án, phương án nào cũng rất hiệu quả, bảo đảm trả nợ đúng hạn, nhưng khi cầm tiền lại làm việc khác. Thậm chí, có doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả cho ngân hàng khác, nên ngân hàng rất sợ cho vay tín chấp.
Muốn có lòng tin với ngân hàng, doanh nghiệp phải là đơn vị có năng lực tài chính; có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình tham gia đầu tư, kinh doanh; có uy tín trên thị trường; có uy tín với các ngân hàng mà họ đã từng vay vốn… Ngoài ra, doanh nghiệp phải có đội ngũ lãnh đạo, nguồn nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, năng lực.






Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương \r




Ngay cả khi có được “lòng tin” thì việc cho vay đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng không dễ, vì những dự án này cần vay với số vốn vô cùng lớn?
Theo tôi biết, ở nước ngoài, các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được ngân hàng tài trợ 70-80% tổng mức vốn đầu tư bằng hình thức cho vay tín chấp. Tất nhiên, doanh nghiệp đi vay có lòng tin chỉ là một điều kiện, điều kiện thứ hai là nhà thầu thực hiện dự án cũng phải là doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu, năng lực, kinh nghiệm.
Còn điều kiện thứ ba là dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội phải có hiệu quả. Hiệu quả ở đây phải tính được là khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sau khi trừ đi toàn bộ chi phí còn được bao nhiêu để trả nợ.
Nếu bảo đảm ba điều kiện trên, thì ngân hàng sẵn sàng cho vay, chứ không nhìn vào tài sản thế chấp. Vì trong trường hợp doanh nghiệp không thể trả được nợ, ngân hàng sẽ thu hồi dự án để tiếp tục khai thác hoặc bán lại cho đối tác khác.
Để bảo đảm tiền vay được sử dụng đúng mục đích, ngân hàng không giải ngân trực tiếp cho doanh nghiệp, mà giải ngân cho nhà thầu xây dựng dự án theo tiến độ công trình, doanh nghiệp chỉ việc nhận nợ, còn nhà thầu là người xác nhận nợ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương đã được vay gói tín chấp nào chưa?
Cũng như các doanh nghiệp khác, không ngân hàng trong nước nào cho Tập đoàn Thái Bình Dương vay tín chấp. Nhưng chúng tôi đang có 1 dự án khu đô đô thị cao cấp ở Hà Nội được Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) bảo đảm cho cho vay tín chấp 70% tổng mức đầu tư, hiện đã giải ngân được hơn 200 triệu USD.
Để bảo đảm tiền cho vay được đầu tư đúng mục đích, đúng thiết kế, đúng thời hạn, IBK cử một nhân viên vào Ban quản lý Dự án. Nhân viên này có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận chất lượng, khối lượng, tiến độ công trình và trước khi IBK giải ngân phải có sự xác nhận của nhân viên này. Vì thế, mặc dù cho vay tín chấp hàng tỷ USD và không hiện diện tại Việt Nam, nhưng IBK luôn biết được đồng tiền của mình đầu tư thế nào, hiệu quả ra sao.
Như vậy, theo ông, cần phải có chính sách mạnh dạn mở van tín dụng tín chấp?
Theo Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, thì Nhà nước sẽ có chính sách đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ. Muốn làm được, cần phải đầu tư rất nhiều tiền. Vì vậy, ngoài nguồn vốn huy động, vốn vay nước ngoài, cần phải có chính sách mạnh dạn mở van tín dụng tín chấp theo cách thức trên. Cách thức đầu tư này đã được thế giới chứng minh là hiệu quả, an toàn và giải phóng được nguồn lực trong xã hội.
Mạnh Bôn

Theo baodautu.vn