Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào\r



Thanh khoản quý III/2015 của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, bất chấp tín dụng tăng trưởng mạnh ở mức 10,78%, trong khi tăng trưởng tiền gửi thấp hơn, ở mức 8,88% kể từ đầu năm tới cuối tháng 9.
Thanh khoản cao là nhờ lượng lớn trái phiếu và tín phiếu trị giá 35.300 tỷ đồng đáo hạn trong giai đoạn này, trong khi các ngân hàng không thực sự mạnh tay đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Ngân hàng vốn là các nhà đầu tư chính của thị trường trái phiếu, nhưng phát hành trái phiếu chính phủ đã giảm 46,3% trong quý III so với cùng kỳ, chủ yếu là do tỷ lệ trúng thầu trong quý chỉ đạt 31,7%. Trong khi đó, vào thời điểm cuối tháng 8, vốn cấp 1 và vốn cấp 2 của hệ thống ngân hàng đã tăng 10,2% kể từ đầu năm.
Thanh khoản dư thừa cho phép các ngân hàng tăng dự trữ USD, đầu cơ theo sự mất giá của VND, vì Mỹ dự kiến tăng lãi suất vào tháng 9. Khối lượng tín phiếu lớn đã được phát hành trong quý III để giúp Ngân hàng Nhà nước hút tiền từ hệ thống ngân hàng và hạn chế tình trạng đầu cơ. Tổng khối lượng giao dịch outright trong quý III đạt 307.000 tỷ đồng, tăng 53% so với quý II.
Tuy nhiên, trong tháng 8, dòng vốn ngoại khổng lồ đã rút khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam do lo sợ VND có thể tiếp tục giảm khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) và kỳ vọng lãi suất USD sẽ tăng vào tháng 9. Nhu cầu vay vốn ngắn hạn để mua USD do vậy cũng tăng lên, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao từ ngày 10/8 đến 20/8. Các ngân hàng thương mại vay vốn từ cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mở. Vì vậy, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 21.908 tỷ đồng.
Trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền để hỗ trợ VND trên thị trường tiền tệ, sau khi điều chỉnh tỷ giá thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch lên mức +/- 3%. Để phản ứng với sự phá giá bất ngờ của đồng NDT, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ giá VND. Đến cuối tháng 9, VND đã được điều chỉnh giảm hơn 5% so với đầu năm, bao gồm cả việc tăng sát đến hết biên độ giao dịch.
Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về một lần giảm giá mạnh hơn của VND khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ không phá giá VND từ nay đến cuối năm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút VND ra khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm giảm bớt những áp lực lên đồng nội tệ và ngăn chặn nguồn vốn dư thừa được sử dụng để mua đồng bạc xanh.
Trong quý III, tổng lượng tín phiếu kho bạc nhà nước đáo hạn đạt 273.000 tỷ đồng, trong khi giao dịch reverse repo đáo hạn đạt 44.100 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch reverse repo đạt 45.400 tỷ đồng, chỉ tăng 15% so với quý trước. Tổng cộng, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 33.400 tỷ đồng trong quý III.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng giá trị giao dịch reverse repo và tín phiếu phát hành trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 937.000 tỷ đồng, giảm 9,48% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị cho vay thông qua giao dịch reverse repo đạt 248.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng tín phiếu kho bạc nhà nước phát hành trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt tổng cộng 689.000 tỷ đồng. Tín phiếu kho bạc nhà nước được phát hành chủ yếu ở kỳ hạn ngắn: 2 tuần (chiếm 23,4% tổng lượng phát hành), 4 tuần (30,5%) và 8 tuần (24,5%).
Ngọc Anh

Theo baodautu.vn