Chính phủ thừa nhận xử lý nợ xấu chưa hiệu quả
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, tính tới tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 2,9%, giảm mạnh so với mức 17,4% vào tháng 9/2012.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ chưa thực sự hiệu quả. Các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro, kể cả khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu NSNN.
Chính vì vậy, Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ của ngành ngân hàng thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động thực chất, an toàn, hiệu quả theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.






Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội sáng 20/10/2015



Đồng thời, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường mua bán nợ, củng cố DATC, xây dựng cơ chế cho VAMC để xử lý thực chất nợ xấu. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thu giữ, chủ động xử lý tài sản bảo đảm và có chế tài phù hợp bảo đảm thực thi nghĩa vụ trả nợ của bên vay vốn ngân hàng và ửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng đơn giản hoá các thủ tục, thời gian thi hành các vụ án dân sự.
Mua ngân hàng 0 đồng cần minh bạch hơn
Trong báo cáo trình Quốc hội sáng nay, Chính phủ khẳng định, sau khi đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để tái cơ cấu các ngân hàng thương mại theo hai hướng: xử lý nợ xấu và xử lý sở hữu chéo.
Đối với các ngân hàng có quan hệ sở hữu chéo lớn thì buộc phải sáp nhập vào nhau. Các ngân hàng quản trị yếu kém cũng đã được sáp nhập vào các ngân hàng khác mạnh hơn, một số ngân hàng yếu kém khác buộc Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành giành quyền kiểm soát thông qua mua lại với giá trị 0 đồng. Từ nay đến cuối năm 2015 các ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được xử lý dứt điểm thông qua các giải pháp nêu trên.
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Giàu cũng nhận định, tái cơ cấu đã giúp cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.
Được biết, trong 8 tháng đầu năm 2015 đã có 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng đó là: Ngân Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương. Giải pháp chưa từng có tiền lệ này của NHNN gây nhiều tranh cãi. Đa phần ý kiến cho rằng, đây là giải pháp hợp lý để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là một “sáng kiến tuyệt vời”, bởi nếu để các ngân hàng tự thỏa thuận với nhau thì quá trình xử lý sẽ kéo dài, các ngân hàng yếu kém luôn nghĩ rằng tài sản của mình là rất giá trị và ra sức mặc cả dù rằng trên thực tế hoạt động của họ đã hết sức bê bết, âm sâu vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng, việc mua lại ngân hàng 0 đồng của NHNN thời gian qua thiếu minh bạch, gây hoang mang cho các cổ đông và có thể gây tổn hại cho ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc NHNN mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, các ngân hàng được NHNN mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng.
“Việc NHNN mua lại cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém thời gian qua không phải ép buộc, mà hoàn toàn trên cơ sở định giá doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan để xác định giá”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, sau khi được mua lại với giá 0 đồng, cả 3 ngân hàng đã bắt đầu có dự trữ thanh khoản trở lại (tổng cộng 11.000 tỷ đồng). NHNN khẳng định, toàn bộ nguồn lực để xử lý, phục hồi các ngân hàng này đều không lấy từ ngân sách mà chủ yếu là do huy động từ tiền gửi người dân, các tổ chức kinh tế, của các tổ chức tín dụng được NHNN chỉ định tham gia điều hành nhà băng .
Đầu tiên là nguồn vốn do chính các nhà băng này huy động từ người dân và các tổ chức kinh tế (là nguồn lực căn cơ nhất), tiếp đó là nguồn thu xử lý tài sản không sinh lời và nợ xấu của 3 ngân hàng và nguồn tái cấp vốn từ NHNN.
Về nhiệm vụ tái cơ cấu thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục sáp nhập hoặc mua lại các ngân hàng yếu kém đi đôi với tổ chức lại, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống và từng ngân hàng thương mại. Đồng thời, sửa đổi, các quy định pháp luật theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để hạn chế, kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo...
Thùy Liên

Theo baodautu.vn