Lo ngân sách nặng nợ vì mua ngân hàng 0 đồng
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2015 - 2016 tại Quốc hội ngày 22/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã bày tỏ sự lo ngại khi thời gian qua, đã có 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng. Đó là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương.
“Nhiều cử tri lo ngại chuyện này. Đây có thể là một biện pháp cấp bách xử lý các ngân hàng yếu kém. Nhưng nếu mua ngân hàng 0 đồng thức là ngân sách nhà nước sẽ gánh khoản nợ đó. Liệu có thu hồi được không, hay sau 3-5 năm, thì ngân sách lại phải gánh chịu”, ông Nghĩa chia sẻ.







Theo ông Nghĩa, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng sẽ khiến ngân sách nhà nước nặng nợ. Bởi vậu, Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc này. “Ít nhất, Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Ngân sách của Quốc hội phải thành lập một ban để giám sát việc này”, ông Nghĩa đề xuất.
Trên thực tế, giải pháp chưa có tiền lệ này của Ngân hàng Nhà nước đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều quan điểm cho rằng đây là giải pháp hợp lý xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, nhưng cũng có những quan điểm ngược lại.
Trên nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, sau khi đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để tái cơ cấu các ngân hàng thương mại theo hai hướng là xử lý nợ xấu và xử lý sở hữu chéo.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải tiến hành giành quyền kiểm soát thông qua mua lại với giá trị 0 đồng một số ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhắc đến việc nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.
Cắt lễ hội, kỷ niệm để giảm nợ
Bức xúc trước việc đọc báo, nghe đài là thấy hết địa phương nọ đến địa phương kia tổ chức lễ lạt, kỷ niệm hoành tráng, lấy cớ đi nghiên cứu nước ngoài biến thành đi du lịch rồi bắt ngân sách trả tiền, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn, phải cắt giảm toàn bộ những khoản chi đó.
“Cắt như thế mới có nguồn để tăng lương, mới giải quyết được vấn đề nợ”, ông Trần Du Lịch nói và chia sẻ mối lo lớn nhất của ngân sách hiện nay là thu chỉ đủ để chi thường xuyên, còn muốn đầu tư đều phải đi vay.
“Một nền kinh tế mà phải đem tất cả mọi thứ ra để cân đối thu - chi thì rủi ro sẽ rất lớn. Cần phải xem lại khi mà trong 5 năm qua, nợ công tăng bình quân 18%/năm, nhưng tăng trưởng GDP bình quân lại chỉ là 5,88%”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ sự lo ngại.
Theo ông Kiên, nếu không giải quyết cẩn thận vấn đề nợ công thì rất có thể “chúng ta sẽ đi theo con đường của Hy Lạp”.
Liên quan đến vấn đề nợ công, dù báo cáo của Chính phủ là hiện nợ công chỉ đang ở mức trên 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ cẩn trọng xem xét.
“Nợ công vẫn đang tăng nhanh, dự báo năm 2016 là 63% GDP. Trong điều kiện vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài lãi suất thấp ít, chủ yếu là vay trong nước, vay lãi suất cao lại chỉ trong ngắn hạn…, thì Chính phủ phải có kế hoạch bố trí ngân sách trả nợ và báo cáo Quốc hội”, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) nói.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại không quá băn khoăn đến con số nợ công 61,3% GDP hay 63% GDP, bởi tỷ lệ này có thể điều chỉnh và hiện cũng có đề xuất điều chỉnh trần nợ công lên 68%, mà cho rằng điều quan trọng là hiệu quả sử dụng nợ công và khả năng trả nợ thế nào.
“Chính phủ báo cáo nợ công được sử dụng phần lớn cho đầu tư công. Nhưng đầu tư công thì vẫn còn tham nhũng, lãng phí, do vậy cũng cần phải quan tâm vấn đề này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu.
Còn ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định “thực sự rất lo” khi ngân sách trả nợ hàng năm đã cao hơn khuyến nghị, trong khi vốn đầu tư chưa được tập trung đúng trọng điểm.

Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn