Theo báo cáo của ngân hàng ANZ, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm sáng, với tăng trưởng xuất khẩu cao



Ngân hàng ANZ trong báo cáo Cập nhật thông tin kinh tế toàn cầu 2015, khi nói về kinh tế Việt Nam đã khá lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi.
“Tăng trưởng GDP sau 3 quý của Việt Nam đã đạt 6,5%, cao hơn dự kiến. Điều này khiến chúng tôi một lần nữa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8% cho năm nay và 6,9% cho năm 2016 (dự báo trước đây tương ứng là 6,5% và 6,5%)”, ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ nói.
Thậm chí, khá lạc quan, ông này còn đưa ra dự báo rằng, năm 2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7%, có thể cao hơn - lên tới 7%, và như vậy sẽ cao hơn 1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nền kinh tế đang đi chậm lại sau một thời gian tăng trưởng nóng.
“Cầu trong nước vẫn tăng, dù đồng Việt Nam đã mất giá 5% tính từ đầu năm. Tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại khu vực giảm sút”, ông Glenn Maguire nói.
Liên quan tới vấn đề này, báo cáo của ANZ cho biết, việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, cũng như việc giá dầu giảm đã tác động đáng kể tới kinh tế toàn cầu và khu vực. Thậm chí, còn có một cuộc “suy thoái thương mại” xảy ra ở khu vực này.
Điểm đáng mừng là, theo ông Glenn Maguire, sẽ khó có khả năng suy thoái thương mại biến thành suy thoái trên diện rộng cho các nước ASEAN, cho dù đây vẫn là điều cần cảnh báo.
Trong bối cảnh ảm đạm đó, thì Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm sáng, với tăng trưởng xuất khẩu cao, do đã biết cách đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu, tạo được sức bền để nền kinh tế chống chọi lại với suy thoái toàn cầu.
“Việt Nam, Ấn Độ và Philippines, mà chúng tôi gọi tắt là VIP, sẽ là 3 nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng nhất của những diễn biến trái chiều của kinh tế toàn cầu”, ANZ nhận định và cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về các thành tích của mình, từ xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, tới giữ được giá trị đồng tiền…
“Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng của kinh tế Việt Nam”, ông Glenn Maguire nói và vui mừng nhấn mạnh việc niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã được cải thiện.
“Nhìn vào doanh số bán ô tô trong thời gian qua đã cho thấy xu hướng cải thiện của nền kinh tế. Đây là một chỉ số quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế, bởi với người Việt Nam, nhà và xe là hai tài sản quan trọng nhất. Khi tốc độ bán xe tăng mạnh, thì có nghĩa niềm tin của người tiêu dùng đã tăng mạnh”, ông Glenn Maguire nói.
8 tháng đầu năm, doanh số bán xe ô tô của Việt Nam là 124.069 chiếc, so với chỉ 76.041 của cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, liên quan đến câu hỏi về nợ công của Việt Nam, ông Glenn Maguire cho rằng, con số nợ công của Việt Nam chưa thực sự đáng lo so với một số nước trong khu vực. “Để giảm nợ công, phải cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi GDP tăng cao thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm”, ông Glenn Maguire nhận định.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn