.



Thị trường hoạt động rất tích cực trong tháng 8 và tháng 9, với giao dịch tháng 8 tăng 14,3% so với tháng trước đó, giao dịch tháng 9 tăng 15% so với tháng 8 và tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh trong quý III/2015 và chỉ giảm nhẹ vào cuối tháng 9. So với cuối quý II/2015, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trong tháng 7 và tháng 8 và giảm nhẹ vào cuối tháng 9 khi tỷ giá ổn định trở lại.
Theo số liệu của Bloomberg, lãi suất các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm (2,2%, +10 điểm so với cuối quý II/2015), 1 tuần (3,1%, +30 điểm), 2 tuần (3,5%, +0 điểm) và 1 tháng (4,1%, +30 điểm).
Nhu cầu vay vốn ngắn hạn tăng mạnh trong quý vừa qua là do nhu cầu vay vốn ngắn hạn gia tăng để phục vụ các hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, việc tỷ giá tăng mạnh vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8 cũng gây ra áp lực đáng kể tới lãi suất liên ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu vay vốn ngắn hạn tăng để phục vụ nhu cầu tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 tới nay. Tính đến thời điểm 21/9/2015, tổng tín dụng toàn thị trường tăng 10,78% so với đầu năm, trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 8,9%. Việc tăng trưởng huy động vốn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng đã khiến nhu cầu vay vốn ngắn hạn gia tăng để đáp ứng nguồn tiền cho tín dụng.
Bên cạnh đó, nếu như trong quý II/2015, thanh khoản ngân hàng được hỗ trợ nhờ nguồn vốn tự có tăng mạnh thì trong quý III/2015, vốn tự có của các ngân hàng tăng không quá cao. Tính tới hết tháng 8/2015, vốn tự có toàn hệ thống ngân hàng đạt 547.213 tỷ đồng, chỉ tăng 0,05% so với tháng trước đó và tăng 10,2% so với đầu năm. Nếu như nguồn vốn tự có tăng cao trong quý II/2015 đã hỗ trợ thanh khoản của thị trường, giảm nhu cầu vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng, thì giờ đây, các ngân hàng không còn có được nguồn vốn dồi dào đó.
Ngoài ra, trong quý III/2015, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm, do lo ngại sự mất giá của đồng nhân dân tệ và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhằm ngăn chặn việc VND có thể mất giá sâu, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm USD và hút VND ra khỏi hệ thống ngân hàng. Quý III/2015, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 33.367 tỷ đồng thông qua thị trường mở. Tính riêng trong tháng 8/2015, khi quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá và biên độ giao dịch tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã bán tổng cộng 3,8 tỷ USD.
Việc Ngân hàng Nhà nước hút mạnh nguồn vốn của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ VND trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh đã khiến nhu cầu vay vốn ngắn hạn tăng, kéo lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
Hơn nữa, VND mất giá cũng gây nên nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, khiến nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh tại các ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu mua và găm giữ ngoại tệ, các ngân hàng tận dụng vay vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để thu mua ngoại tệ, khiến lãi suất liên ngân hàng tăng và giữ ở mức cao. Lãi suất liên ngân hàng bắt đầu suy giảm khi cơn sốt tỷ giá đã ổn định trở lại và Ngân hàng Nhà nước đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Trong quý IV/2015, dự báo thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện do sẽ có một khối lượng lớn trái phiếu và tín phiếu chính phủ đáo hạn. Nếu trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp không thu hút được vốn đầu tư, lượng trái phiếu và tín phiếu đáo hạn sẽ hỗ trợ các hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng và giúp giảm nhu cầu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng.
Ngọc Anh (Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank)

Theo baodautu.vn