Vàng lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc
Mới đây, Cơ quan điều tra Công an TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã phát hiện manh mối của một đường dây chuyên bán vàng giả tại nhiều địa phương phía Bắc. Theo đó, hàng loạt tiệm vàng lớn đã mắc bẫy khi mua vào gần chục miếng vàng ròng giả.
Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh), hầu hết vàng giả được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông, sau đó được một số đối tượng người Trung Quốc liên kết với đối tượng người Việt để tiêu thụ. Hồng Kông từng nổi tiếng toàn cầu về bê bối vàng giả với khối lượng dự đoán có thể lên tới hàng ngàn ounce và mức độ làm giả tinh vi đến mức giới kinh doanh vàng sành sỏi cũng khó lòng phân biệt.






Ảnh minh họa



Ở nước ta, vàng giả xuất hiện từ cuối năm 2010, khi giá vàng đột ngột tăng mạnh. Thời điểm đó, vàng giả được nhận định chủ yếu là làm từ vonfram và dễ dàng bị các tiệm vàng phát hiện bằng các phương pháp kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay, vàng giả lại tái xuất với mức độ tinh vi hơn, thậm chí vàng giả có thể qua mặt nhiều loại máy móc.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Sản xuất - Kỹ thuật của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho hay: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên mẫu ‘vàng lạ’ thu được trên thị trường trong thời gian vừa qua cho thấy, đây có thể là một dạng vật liệu đặc biệt khác với vonfram thông thường, vì vonfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn. Theo chúng tôi, vàng giả ở đây được chế bằng cách cho một loại bột kim loại mịn gồm các kim loại nặng”.
Kiểm định chất lượng vàng còn quá lỏng lẻo
Trước tình trạng vàng giả tái xuất, các doanh nghiệp vàng đều lên tiếng khuyến cáo người dân nên đến các cửa hàng kinh doanh có cấp phép của Ngân hàng Nhà nước để mua vàng, tránh phải vàng kém chất lượng.
Ông Dương Anh Tuấn nói: “Theo chúng tôi, đây là hiện tượng mới và có tính chất tinh vi, công nghệ cao, xuất phát từ gian thương nước ngoài, khó phát hiện, nên cần cẩn trọng trong mua bán, giao dịch. Để tránh bị thiệt hại về tài chính, khi giao dịch, các chủ tiệm vàng cũng như người dân cần chú ý tới các phương pháp kiểm tra về cảm quan, các yếu tố nguồn gốc, xuất xứ, độ tin cậy và uy tín của bạn hàng, khách hàng. Tiếp theo, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các phương pháp kiểm tra đo đạc khác nhau để giám định và đánh giá chất lượng tuổi vàng. Khi cảm thấy nghi vấn nhưng chưa đủ điều kiện trang thiết bị cho việc giám định, thì nên tới các đơn vị có đủ điều kiện tiêu chuẩn, sử dụng các thiết bị kỹ thuật cao để giám định sâu hơn”.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành, điều trớ trêu là hiện nay, máy giám định tuổi vàng của các doanh nghiệp nước ta cũng khá khó tin, cùng một thỏi vàng, nhưng mỗi máy kiểm định của từng DN lại cho ra kết quả tuổi vàng khác nhau. Còn nhớ, trước đây, khi gia công lại vàng miếng của các thương hiệu khác, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Cty SJC) đã phải từ chối một lượng vàng rất lớn do không đủ tuổi vàng, đặc biệt là vàng Rồng Thăng Long và vàng miếng AAA.
Hiện nay, công tác quản lý vàng nữ trang cũng hết sức lỏng lẻo. Dù Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đã có hiệu lực được 2 năm, quy định chặt chẽ về giám định vàng và tuổi vàng nữ trang, song tại nhiều cửa hàng vàng nhỏ lẻ, tình trạng bán vàng nhẫn tròn trơn không thương hiệu, không niêm yết tuổi vàng hoặc gian lận tuổi vàng vẫn diễn ra.
Được biết, từ năm 2012, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhen nhóm ý định thành lập Công ty Kiểm định vàng độc lập để kiểm định chất lượng vàng nữ trang và đến giữa năm nay, Công ty cổ phần Kiểm định vàng bạc đá quý Việt Nam mới được thành lập. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến cuối năm nay, công ty này mới chính thức đi vào hoạt động.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kỳ vọng, việc ra đời một công ty kiểm định độc lập về chất lượng vàng sẽ giúp người dân có địa chỉ đáng tin cậy trong thẩm định chất lượng vàng.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn