Vào cuối năm cầu ngoại tệ thường tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Báo cáo công bố ngày 18/11 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed cho biết, trong cuộc họp định kỳ hồi tháng 10 vừa qua, đại đa số các nhà lãnh đạo của Fed nhất trí không tăng lãi suất cơ bản trong tháng 10, nhưng sẵn sàng cho hành động này vào tháng 12/2015.
Theo báo cáo của FOMC, việc Fed tăng lãi suất cơ bản sẽ được thảo luận tại cuộc họp định kỳ trong 2 ngày 15 và 16/12, sau 8 năm duy trì lãi suất thấp. Theo nhận định từ các chuyên gia tài chính - tiền tệ, có khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm 2015 với mức 72% so với 64% đầu tuần này.
Ngày 4/11/2015, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed cũng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng, cơ quan này có thể quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 12, nếu các số liệu sắp tới ủng hộ lần nâng lãi suất đầu tiên trong một thập kỷ qua. Bà Yellen bày tỏ niềm lạc quan về bức tranh ngày càng khởi sắc của nền kinh tế Mỹ với sự cải thiện của thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng.
Chủ tịch Fed cho rằng, việc nâng lãi suất sớm cho phép Fed quyết định nâng lãi suất dần, tránh tình trạng lãi suất tăng bất ngờ, tác động đến các thị trường khác, nhất là với chứng khoán. Fed đã trì hoãn nâng lãi suất vào tháng 9/2015, do đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, yếu tố từng khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong tháng 8 trước đó. Tuy nhiên, kể từ mùa hè đến nay, nền kinh tế đã bộc lộ một số tín hiệu ổn định trở lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/11, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của USD so với một số tiền tệ chủ chốt đứng ở mức 99,77 điểm, ngưỡng cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Theo nhóm phân tích của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đà tăng giá của đồng bạc xanh có thể duy trì cho đến trước thềm cuộc họp của Fed diễn ra vào giữa tháng 12 tới, kỳ họp cuối trước khi khép lại năm tài chính 2015.
Thông tin trên phần nào gây áp lực lên tỷ giá VND/USD, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi cầu ngoại tệ tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Ngân hàng ANZ đưa ra nhận định, tỷ giá tăng không quá 5,1% trong năm nay, nên nếu không có thay đổi chính sách từ nay đến cuối năm 2015, VND vẫn có thể mất giá tối đa 5,1%. Hiện tỷ lệ này là 4,5% sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm đến nay.
NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm 2015. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mức điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã rất mạnh và NHNN đã lường trước những biến động phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) cũng như khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất.
Tỷ giá biến động nhẹ trên thị trường trong thời gian qua, theo lãnh đạo NHNN, chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, NHNN khẳng định, sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015, cũng như những tháng đầu năm 2016.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định, trước tâm lý kỳ vọng Fed điều chỉnh lãi suất, Việt Nam đã lường trước những biến động, nên đã có những điều chỉnh tương đối mạnh và duy trì như vậy trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, từ nay cho đến hết quý I/2016, sẽ không có điều chỉnh về tỷ giá.
Các tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam như ANZ, Standard Chartered và HSBC cũng đánh giá cao phản ứng nhanh hơn dự kiến và chưa từng có tiền lệ của NHNN trong điều hành tỷ giá vừa qua. HSBC Việt Nam tin tưởng, thị trường sẽ sớm cân bằng nhờ sự linh hoạt của nhà điều hành. Việc chạy theo mua USD khi giá biến động sẽ càng làm tình hình phức tạp hơn.
Vân Linh

Theo baodautu.vn