[IMG]files/2013/09/17/tan-thong-doc-raghuram-rajan-co-cuu-duoc-an-do-1.jpg[/IMG] Khung cảnh mà Raghuram Rajan nhìn thấy khi ngồi vào chiếc ghế Thống đốc tại tầng 18 trụ sở ở Mumbai của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) là rất thanh bình và ông có thể nhìn ra bến cảng Mumbai và những ngọn đồi ở phía xa xa. Nhưng với vai trò là Thống đốc mới của RBI, Rajan đã nhận thấy những vấn đề mà nền kinh tế Ấn Độ đang phải đối mặt không hề “thanh bình” chút nào. Ấn Độ thực sự đang trong tình thế vô cùng gay go. Động cơ tăng trưởng một thời của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, đã sa sút trong khi các mối lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp gói nới lỏng định lượng đã khiến cho đồng rupee giảm mạnh. Điều đó đã dấy lên mối lo ngại rằng Ấn Độ có thể sẽ rơi vào thảm họa tài chính. Thực tế, Ấn Độ đang trở thành nơi đầu sóng ngọn gió hứng chịu cuộc khủng hoảng đang càn quét qua các thị trường mới nổi, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tháo chạy và quay lại nước Mỹ, nơi lãi suất đang tăng lên. Chính vì thế Rajan đã trở thành nhân vật quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại cuộc khủng hoảng đang đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ấn Độ đang trong vòng xoáy khủng hoảng Không chỉ đang đối diện với làn sóng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy, Ấn Độ còn gặp những vấn đề lớn. Đó là mối đe dọa giá dầu tăng (do khủng hoảng tại Syria) trong khi Ấn Độ lại là nước nhập khẩu nhiều nhiên liệu, cũng như vấn đề thâm hụt ngân sách quá lớn. IMF ước tính thâm hụt tài khoản vãng lai Ấn Độ sẽ tương đương 4,9% GDP năm nay so với mức thặng dư tương đương 1% GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nếu xét tỉ lệ nợ/GDP, Ấn Độ đang ở mức tương đương 66%, so với 34% của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Điều đáng nói là nợ chính phủ sẽ nhiều hơn vì Hạ viện Ấn Độ đã thông qua dự luật an ninh lương thực để trợ cấp lương thực giá rẻ cho người dân. Hiện tại, động cơ tăng trưởng của Ấn Độ đã xuống dốc. Tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống gần phân nửa trong 3 năm qua, chỉ khoảng 5%. Đà giảm này được dự kiến sẽ còn tiếp tục vì GDP trong quý kết thúc vào tháng 6/2013 chỉ đạt 4,4%, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Trong khi đó, lạm phát đang mấp mé mức 2 con số. Nguy cơ lạm phát càng khiến cho đồng rupee mất giá (đồng rupee đã giảm 17% trong 6 tháng qua). Ấn Độ dường như cũng đang trong thời kỳ khủng hoảng về niềm tin. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan cũng thừa nhận: “Không có cây đũa thần nào có thể nhanh chóng đưa nền kinh tế qua khỏi những thách thức mà nó đang phải đối mặt”. Cũng vì thách thức quá lớn, Rajan đã được chọn cho vị trí này ngay từ đầu. Thủ tướng Manmohan Singh là người đã chỉ định Rajan. Cách đây 4 năm, ông Singh đã mời Rajan từ Mỹ về nước đảm nhận vị trí cố vấn kinh tế và yêu cầu ông điều hành một ủy ban cấp cao về các cải cách tài chính. Năm ngoái, Rajan được bổ nhiệm chức cố vấn kinh tế trưởng ở Bộ Tài chính. Và đầu tháng 9 này, ông đã trở thành Thống đốc trẻ tuổi nhất của RBI. Không chỉ Chính phủ Ấn Độ mà cả thị trường cũng kỳ vọng vào Rajan. Có thể thấy, sau thông tin ông nhậm chức, đồng rupee và thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng mạnh. Kỳ vọng này cũng là điều dễ hiểu. Rajan là chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Đại học Chicago (Mỹ). Sau khi hoàn tất chương trình Tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts năm 1991, ông đã chuyển sang khoa Kinh tế học Thị trường Tự do của Chicago. Tại đây, ông tập trung nghiên cứu những vấn đề phức tạp của các thị trường tài chính. Công trình nghiên cứu này đã giúp ông giành được giải thưởng Fischer Black cho học giả xuất sắc nhất trong lĩnh vực của ông dưới tuổi 40. Đến năm 2003, ông đã trở thành chuyên gia kinh tế trưởng trẻ nhất tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào thời điểm đó. Điều khiến Rajan nổi tiếng hơn hết chính là ông có lối suy nghĩ sáng tạo. Tại cuộc họp các chuyên gia kinh tế ở Jackson Hole, Wyoming vào năm 2005, ông đã chỉ ra những rủi ro đến từ các sản phẩm tài chính mà các ngân hàng Mỹ đang tung hô. Các nhà điều hành chính sách Mỹ đã bỏ ngoài tai những lời khuyến nghị của ông. Theo tờ Wall Street Journal, thậm chí ông còn bị chê cười là một người “chống lại xu hướng thị trường tự do, tiếc nuối cách điều hành kinh tế kiểu cũ”. Tuy nhiên, khi Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, niềm tin vào các thị trường tài chính cũng lao dốc và những dự báo của Rajan đã ứng nghiệm, giúp ông giành được tiếng tăm là nhà tiên tri thấy trước được cuộc khủng hoảng tài chính. Những ai quen biết Rajan đều đưa ra cùng một nhận xét: ông có khả năng xét đoán khôn ngoan, siêng năng, trầm tĩnh, làm việc có phương pháp, cẩn thận và biết lắng nghe. Nhiều người cũng nhận xét ông rất phóng khoáng và nhã nhặn. Điều đáng chú ý về Raghu là ai cũng muốn ông ấy thành công. Các chuyên gia kinh tế “siêu sao” như ông thường hay bị người khác ghen tị, hoặc là những người rất ngạo mạn, khinh người. Nhưng ông ấy lại rất tử tế, sâu sắc, biết nghĩ đến người khác. 'Ông luôn khơi dậy lòng trung thành nơi người khác”, Jayant Sinha, một người bạn thời đại học với Rajan, cho biết. Luigi Zingales, Giáo sư tài chính tại Đại học Chicago, người cộng tác lâu năm với Rajan, thì nhận xét: “Ông ấy là một người tử tế nhưng cũng cực kỳ có tinh thần ganh đua. Tôi nhớ thời còn ở Chicago, ông từng chơi đánh bóng quần với một đồng nghiệp khác. Có nhiều lần, cả hai đều bị thương vì chơi quá hăng. Ông ấy rất thích cảm giác chiến thắng”. Những phẩm chất này cũng như tài năng của ông đã khiến nhiều người tin rằng Rajan sẽ đưa được Ấn Độ thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng. Tuy nhiên, vẫn có một số người tỏ ra hoài nghi. Chuyên gia kinh tế Paul Krugman cho rằng Rajan có lối tiếp cận quá thận trọng, không phù hợp với thời điểm khủng hoảng. Một số khác cho rằng Rajan sẽ gặp khó khăn trong việc dẹp bỏ những rào cản quan liêu ở Ấn Độ, nhất là khi ông đã ở xa nhà quá lâu. Một chuyên gia kinh tế (không muốn nêu tên) thì đặt câu hỏi liệu Rajan có đủ can đảm một mình chống chọi các chính trị gia để bảo vệ các quyết định của mình. Mặc dù vẫn còn những hoài nghi, nhưng hầu hết mọi người đều tin vào Rajan. “Ông ấy đã có nhiều năm làm việc tại IMF, chứng kiến các nước khác rơi vào khủng hoảng rồi vượt qua khỏi vũng lầy. Và thậm chí cho dù có một cuộc khủng hoảng quy mô lớn diễn ra và Ấn Độ phải cần sự trợ giúp tài chính thì ông ấy sẽ là một tài sản quý giá. Ông ấy là chuẩn vàng khi nhìn từ quan điểm của các tổ chức cho vay quốc tế”, Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Harvard, từng là người tiền nhiệm của Rajan tại Quỹ IMF, nhận xét. Eswar Prasad, Giáo sư về Chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cũng đặt nhiều niềm tin vào Rajan. “Điều hành kinh tế - chính trị là một công việc cực kỳ thách thức và vô cùng phức tạp. Nhưng tôi nghĩ Rajan là người rất hứng thú với những thách thức kiểu này. Ấn Độ rất may mắn khi có được một người như Rajan vào lúc như thế này”, ông nói. Theo Đàm Hoa (NCĐT) <em itemprop='author'> [/I]


Theo baodautu.vn