[IMG]Error Upload Image: Could not establish new file (files/2013/09/22/ong-chu-softbank-va-chien-luoc-tan-cong-1.jpg?nocached=1379826841) on local server. Be sure to CHMOD your directory to 777.[/IMG] Masayoshi Son, nhà sáng lập Tập đoàn Softbank Tỉ phú Masayoshi Son, nhà sáng lập Tập đoàn internet và Viễn thông Nhật Softbank, đã thắng lớn nhờ hoàn tất vụ mua lại Sprint Corp, nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn thứ 3 nước Mỹ, với giá 21,6 tỉ USD vào tháng 7 vừa qua. Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Nhật từ trước đến nay. Thương vụ này đã giúp Softbank giành được một chỗ đứng vững chắc ở thị trường viễn thông Mỹ. Những vụ thâu tóm hoàn hảo Softbank vươn lên vị trí thứ ba còn nhờ vào các khoản đầu tư trong lĩnh vực internet do ông Masayoshi Son làm nhạc trưởng, cuối cùng đã đơm hoa kết trái. Đáng chú ý là các khoản đầu tư vào Yahoo Japan Corp, GungHo Online Entertainment Inc và Alibaba. Mặc dù Yahoo ở Mỹ đang làm ăn sa sút, nhưng ở xứ sở hoa anh đào, Yahoo đã qua mặt cả Google và luôn duy trì được vị thế là cổng thông tin và cỗ máy tìm kiếm số 1 tại Nhật. Cổ phiếu của Yahoo Japan đã tăng 79% tính từ đầu năm đến nay. Điều đó đồng nghĩa với khoản lợi nhuận lớn cho Softbank, vốn đang nắm giữ 35% cổ phần ở công ty này. Nhưng có lẽ tài sản có giá trị nhất của Softbank là khoản đầu tư vào nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – Alibaba Group Holding Ltd với tỉ lệ nắm giữ là 36,7%. Các ông chủ của ngành ngân hàng đều cho rằng, đợt chào sàn sắp tới của Alibaba sẽ là một trong những đợt IPO lớn nhất trong ngành internet. Và chắc chắn Softbank sẽ thu lợi lớn từ đợt IPO này. “Ông Son là người có con mắt tinh đời. Ông nhìn thấy được những công ty nào sẽ trở thành doanh nghiệp lớn trong tương lai. Ông đầu tư vào khi chúng mới chỉ là những doanh nghiệp rất nhỏ bé. Nay một số công ty mà ông rót vốn đã trở thành những công ty mang lại lợi nhuận kinh doanh khổng lồ”, Nathan Ramler, chuyên gia phân tích tại Tokyo của Macquarie Securities, nhận xét. Nhờ thành công từ các khoản đầu tư như thế mà giá cổ phiếu của Softbank đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm đến nay. Ông Son hiện sở hữu 20,16% cổ phần trong Softbank. Đầu tư kiểu Son Hiện nay Softbank có cổ phần trong hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực cơ sở hạ tầng internet, cổng thông tin và nội dung. Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Son cho biết: “Mỗi một công ty trong những công ty này đều độc lập với nhau và đều có thương hiệu và vị chủ tịch riêng của mình. Và tôi tự nhủ với mình rằng, nếu bạn không sợ thất bại và không ngại thử nhiều con đường khác nhau thì bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình”. Ông Son cũng đã có nhiều lần va vấp. Vào thời đỉnh điểm của bong bóng dot-com, Softbank đã đầu tư rộng khắp ở nhiều công ty. Và cơn sốt dot-com này đã đưa mức vốn hóa thị trường của Softbank vượt lên trên 220 tỉ USD. Thế nhưng, khi quả bong bóng này xì hơi thì giá trị tài sản của ông Son cũng bốc hơi tới 90%. Có thể kể đến một số khoản đầu tư thất bại của ông Son như thương vụ đầu tư vào dịch vụ phân phối rau củ quả Webvan, đã phá sản vào năm 2001. Hay thương vụ đầu tư trị giá 150 triệu USD vào Zynga năm 2010. Nhà sản xuất trò chơi mạng xã hội này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, những thất bại này không đáng kể so với những thành công mà ông gặt hái được. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Yahoo Japan, ông Son đã theo dõi quá trình thay đổi dàn quản lý cấp cao vào năm ngoái nhằm chuyển hướng tập trung của công ty từ máy tính để bàn sang điện thoại thông minh. Kết quả, quý vừa qua công ty này đã báo cáo mức tăng lợi nhuận quý là 29%. Ông Son cũng thành công trong việc thâu tóm cổ phần khống chế trong GungHo Online Entertainment Inc, nhà sản xuất trò chơi di động nổi tiếng trên thế giới “Puzzle & Dragons”. Hiện cứ 4 người sử dụng điện thoại thông minh ở Nhật là có 1 người tải trò chơi này. Mới đây, ông Son đã yêu cầu em trai mình là Taizo, Chủ tịch Hội đồng quản trị GungHo, phải hoàn trả một khoản nợ trước đó. Và Taizo phải hoàn trả bằng cách chuyển giao số cổ phần 24,87% ông nắm giữ tại GungHo cho Softbank. Việc này đã giúp nâng tỉ lệ nắm giữ của Softbank tại GungHo lên tới 58,5%. GungHo hiện là một trong những cổ phiếu vua của Nhật. Trong năm vừa qua, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp gần 35 lần. Và Softbank, giờ là cổ đông nắm quyền chi phối ở GungHo, đã gia tăng thêm lợi nhuận từ khoản đầu tư này tới 1,5 tỉ USD trong quý hai vừa qua. Ráo riết thâu tóm Softbank cũng là cổ đông lớn nhất của Alibaba với tỉ lệ nắm giữ 36,7%. Với đợt IPO của Alibaba được định giá có thể lên tới hơn 70 USD/cổ phiếu, Softbank sẽ thu được khoản lợi lớn, nếu so với mức đầu tư ban đầu chỉ 20 triệu USD mà tập đoàn đã rót vào Alibaba năm 2000. Ngoài mức lợi nhuận lớn thu được từ các khoản đầu tư nói trên (nếu công ty hiện thực hóa lợi nhuận), Softbank còn có khoản tiền mặt dồi dào từ mảng di động đang ăn nên làm ra của tập đoàn là 480 tỉ yên, tương đương 4,8 tỉ USD (trong quý kết thúc vào tháng 6/2013). Với số tiền khổng lồ này, ông Son sẽ càng ráo riết đi thâu tóm các công ty khác. Trong khi đang hoàn tất thương vụ mua lại Sprint, ông Son đã tiếp cận Vivendi SA với đề nghị mua lại Universal Music Group, công ty âm nhạc lớn nhất thế giới, nhưng đã bị từ chối (theo những nguồn tin thân cận với công ty này). Cuối năm 2012, Son cũng đã từng mua lại công ty nhỏ hơn là eMobile với giá 180 tỉ yên (1,8 tỉ USD). Nhưng sau khi các cơ quan quản lý Nhật tỏ ý không hài lòng với thương vụ, Softbank đã bán 2/3 cổ phần trong công ty này. Với những động thái này, có vẻ như ông Son sẽ tiếp tục là người chơi lớn trên thị trường M&A. Ông đã từ chối trả lời về nhận xét này, nhưng gần đây ông có chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Trong cuộc sống chỉ có tấn công hoặc phòng thủ. Vậy tại sao lại không tấn công”? <em itemprop='author'> Thành Lợi (Doanh nhân)[/I]
Thành Lợi

Theo baodautu.vn